Như Báo Người Lao Động đã thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
Bị can Nguyễn Nhật Cảm - Ảnh: Bộ Công an
Theo kết luận điều tra vụ gian lận giá trị mua sắm hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 tại CDC Hà Nội, Bộ Công an đề nghị truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm (nguyên giám đốc CDC Hà Nội) và 9 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra xác định đầu tháng 2, Sở Y tế giao cho CDC Hà Nội nguồn kinh phí bổ sung hơn 31 tỉ đồng. Sở Y tế cũng giao đơn vị này làm chủ đầu tư gói thầu số 15, mua thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 với chi phí dự toán khoảng 9,5 tỉ đồng. Trong đó, giá mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm SARS-CoV-2 là 7 tỉ đồng, máy chiết tách DNA/RNA tự động 1,2 tỉ đồng và 2 tủ lạnh âm giá 1,34 tỉ đồng
Ngày 6-2, Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty Vitech) thỏa thuận với Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty Phương Đông, đơn vị phân phối hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm có xuất xứ từ Đức) về việc Nhất mua thiết bị này với giá 4 tỉ đồng để bán cho CDC Hà Nội. Hai bên thống nhất nếu phi vụ thành công thì sẽ chi cho ông Cảm 15% giá trị sản phẩm. Số tiền chênh lệch còn lại, sau khi khấu trừ các chi phí, Nhất và Tuyền chia đôi.
Chiều 6-2, Tuyền và Nhất đến gặp ông Cảm tại phòng làm việc trong trụ sở CDC Hà Nội để trao đổi về hệ thống Realtime PCR xét nghiệm. Tại đây, Tuyền báo giá thiết bị là 7 tỉ đồng với hạn bảo hành trong 3 năm.
Tại buổi gặp, Nhất cũng đề nghị sau khi việc mua bán hoàn tất, doanh nghiệp sẽ chi cho ông Cảm 15% giá trị của hệ thống máy xét nghiệm. Sau khi thỏa thuận, ông Cảm đề nghị Tuyền liên hệ với Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) để làm việc.
Sau đó, Nguyễn Ngọc Nhất rủ Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST) tham gia bán hệ thống Realtime PCR và máy tách chiết do Công ty Phương Đông nhập khẩu cho phía ông Cảm với giá 8,2 tỉ đồng. Vinh đồng ý với thỏa thuận nếu giao dịch thành công, Vinh sẽ được chia 1,5% giá trị hợp đồng.
Để giảm biên độ chênh lệch giá giữa mua vào và bán ra, Đào Thế Vinh sử dụng Công ty Hưng Long (do vợ Vinh làm giám đốc) mua các thiết bị từ Công ty Phương Đông với giá 4,1 tỉ đồng.
Sau đó, Vinh bán hệ thống máy móc cho Công ty KD với giá 5,2 tỉ đồng. Tiếp đó, Vinh lấy pháp nhân Công ty MST mua thiết bị với giá 7,8 tỉ đồng trước khi bán lại cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỉ đồng như thỏa thuận từ trước.
Cơ quan công an xác định trên thực tế, Vinh chỉ mua các thiết bị với tổng số tiền 4,1 tỉ đồng để bán cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỉ đồng, không có việc mua bán với các công ty còn lại.
Theo kết luận điều tra, đầu tháng 3, Nhất và Công ty MST hoàn tất ký hợp đồng với CDC Hà Nội. Số máy móc trên sau đó được lắp đặt và vận hành.
Cơ quan điều tra xác định trong quá trình mua 2 thiết bị, ông Cảm đã chỉ đạo các cán bộ dưới quyền hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu nhằm ấn định Công ty MST là đơn vị trúng thầu, với giá trúng thầu 9,5 tỉ đồng (bằng với giá dự toán ban đầu). Nhằm hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu chỉ định, CDC Hà Nội đã thuê Công ty Nhân Thành lập khống chứng thư thẩm định giá. Theo điều tra, giá của thiết bị khi nhập về Việt Nam khoảng 2,3 tỉ đồng nhưng các bị can đã cấu kết nâng khống cao gấp 3 lần.
Về việc các bị can hứa chi cho ông Cảm 15%, tại cơ quan điều tra bị can Nguyễn Nhật Cảm đã nhận thức việc làm của mình là sai, gây thiệt hại tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Cảm không thừa nhận việc Nguyễn Ngọc Nhất trao đổi với Cảm việc trích lại cho CDC Hà Nội phần trăm giá trị gói thầu, nên chưa đủ căn cứ chứng minh.
Bình luận (0)