VKSND tỉnh Sơn La vừa ban hành cáo trạng truy tố 8 bị can trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La, cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong đó có 6 bị can liên quan đến ngành giáo dục gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Lò Văn Huynh (cựu Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục).
Có tiền nhưng không có người đưa, nhận hối lộ
Các bị can lợi dụng chức vụ, quyền hạn với động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác (vì mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...), cấu kết thực hiện hành vi rút bài thi trắc nghiệm sửa, nâng điểm; in khóa phách nhằm nâng điểm cho 44 thí sinh.
Trong quá trình điều tra, các bị can Nga, Thủy, Bun Sọn, Huynh đều khai có nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài, nâng điểm thi. Cụ thể, bị can Nga nhận hơn 1 tỉ đồng sau khi "giúp" 40 thí sinh; bị can Huynh nhận 1 tỉ đồng để nâng điểm cho 2 thí sinh; bị can Bun Sọn nhận 440 triệu đồng sau khi sửa, nâng điểm cho nhiều thí sinh; bị can Thủy nhận 500 triệu đồng để sửa, nâng điểm cho 4 thí sinh. Ngoài ra, một người hứa hẹn trả 270 triệu đồng nếu Thủy nâng điểm cho 1 thí sinh nhưng Thủy chưa nhận số tiền này.…
Cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La khẳng định cơ quan chức năng không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can Nga, Bun Sọn, Huynh, Thủy về tội "Nhận hối lộ" cũng như những trường hợp liên quan tội "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ".
Tội danh không khớp hành vi
Theo VKSND tỉnh Sơn La, hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa, nâng điểm cho các thí sinh của những bị can trên có dấu hiệu cấu thành tội "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ". Tuy nhiên, những người được cho là đưa tiền cho các bị can đều phủ nhận việc thỏa thuận và giao nhận tiền. Ngoài lời khai cùng số tiền các bị can nộp lại, cơ quan điều tra không có tài liệu hay chứng cứ khác để chứng minh. Cơ quan công tố cho rằng số tiền các bị can Nga, Bun Sọn, Huynh, Thủy đã nhận được xác định là tiền do vụ lợi mà có. Đây là lý do cơ quan pháp luật chỉ buộc tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" đối với các bị can.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định hành vi phạm tội của những bị can trên có dấu hiệu phạm tội "Nhận hối lộ". Luật sư Ý phân tích tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" sẽ xác lập khi bị can vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân mà có hành vi gây thiệt hại về tài sản cho tổ chức, cá nhân khác. Trong vụ án, cơ quan chức năng không đề cập yếu tố thiệt hại về tài sản, trong khi các bị can khai rõ ràng có nhận tiền từ những đối tượng bên ngoài với yêu cầu sửa, nâng điểm bài thi. Tức là động cơ, tiến trình phạm tội rõ ràng. Động cơ, hành vi phạm tội như trên không khớp với căn cứ định tội như VKS cáo buộc; trái lại, rất rõ căn cứ để định tội "Nhận hối lộ".
Đối với việc những người được cho là đưa tiền cho các bị can nhưng không thừa nhận, luật sư Thắng Ý nhấn mạnh: "Ngoài lời khai của họ, nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải dùng mọi biện pháp nghiệp vụ tìm ra chứng cứ nhằm tránh tình trạng bỏ lọt tội, bỏ lọt người phạm tội. Dùng tiền để yêu cầu một người có chức vụ, quyền hạn thực hiện việc làm sai trái là tình tiết đáp ứng, xác lập tội danh "Đưa hối lộ". Luật sư Thắng Ý cho biết so với tội "Nhận hối lộ" (mức phạt thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là 20 năm tù, chung thân, tử hình) thì tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" có khung hình phạt thấp hơn rất nhiều (phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm, mức hình phạt cao nhất là 15 năm nếu phạm tội nhiều lần, có tổ chức…).
Bình luận (0)