Những ngày gần đây, nhân dân ấp văn hóa Chông Nô I (xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) vô cùng phẫn uất trước hình ảnh cụ bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1925) phải lánh nạn qua nhà hàng xóm, xin cơm chùa ăn do bị chính con ruột xua đuổi, ngược đãi…
Khổ vì mua đất của con
Gặp chúng tôi, bà Thơm nước mắt lưng tròng cho biết dù rất nghèo, không biết chữ nhưng bà đã cố gắng nuôi con khôn lớn rồi dựng vợ gả chồng cho từng người. Không muốn làm gánh nặng cho các con, bà mua lại của con gái Lâm Thị Trang miếng đất để ở riêng.
“Mua đất rồi, ủy ban xã cho tôi vay tiền, chòm xóm giúp công, gạch, đá xây căn nhà tình thương. Hôm trước, tôi nói con gái đưa “sổ đỏ” để cắt phần đất đã mua, sang tên cho đúng pháp luật thì nó lật lọng, chửi tôi đủ thứ, lại còn chọi đá, đốt cây trong vườn, khóa trái cửa nhốt tôi bên trong” - bà Thơm kể.
Ảnh lớn: Căn nhà tình thương của bà Thơm bị bà Trang khóa trái cửa. Ảnh nhỏ: Bà Thơm đau khổ vì bị con ngược đãi. Ảnh: ĐỨC ANH
Trong tờ giấy sang nhượng đất do vợ chồng bà Trang viết năm 2002, có đoạn: “Đồng lòng sang nhượng đất cho mẹ, chiều dài 30 m, chiều ngang 14 m với số tiền 4 chỉ vàng”. Phía dưới tờ giấy sang nhượng, bà Trang còn ký tên, bà Thơm do không biết chữ nên chỉ đánh dấu thập (+).
Ông Lâm Khinh, người làm chứng vụ bà Trang bán đất cho mẹ vào năm 2002, nói: “Bà Thơm giao tiền lần đầu là 1,5 triệu đồng (3 chỉ vàng). Sau đó, bà Thơm giao thêm 500.000 đồng cho cô Trang, coi như mua bán hoàn tất. Không hiểu sao cô Trang làm vậy!”.
Hàng xóm bà Thơm cho biết đây là xóm nghèo, nhiều nhà tạm bợ nên khi căn nhà tình thương (tường gạch, mái tôn) của bà Thơm xây xong, nhiều người coi đó là tài sản đáng mơ ước. Có thể vì thế mà bà Trang đã làm khó việc bà Thơm đòi hợp thức hóa hồ sơ nhà đất, hòng ngăn cản bà Thơm chia tài sản cho những người con khác.
Đã từng bị xử phạt vì ngược đãi mẹ
Trao đổi với lãnh đạo xã Hòa Tân, chúng tôi được ông Đinh Huỳnh, Chánh Văn phòng Đảng ủy, cho biết: “Việc mẹ con họ mâu thuẫn diễn ra đã nhiều tháng, gần đây dư luận bất bình vì cô Trang ngược đãi mẹ già. Chúng tôi đã giao cho các ngành chức năng của xã xử lý vụ việc theo đúng pháp luật và đạo lý”.
Theo biên bản hòa giải ngày 2-1-2014, trong phần ý kiến của bà Thơm, bà yêu cầu con gái không chửi mắng và phải cho mượn “sổ đỏ” để bà có thể sang tên phần đất mình đã mua theo đúng pháp luật. Phần ý kiến của bà Trang, có đoạn: “Đồng ý cho bà Thơm ở nhà cho đến hết cuộc đời” (!?).
Tại buổi hòa giải này, cán bộ xã Hòa Tân cũng nói rõ chuyện đạo lý, yêu cầu bà Trang phải làm tròn chữ hiếu. Tuy nhiên, theo bà Thơm, sau buổi hòa giải, bà vẫn bị “khủng bố tinh thần” bằng cách ném gạch lên mái tôn, khóa trái cửa, đốt và giật sập chòi lá nấu bếp. Khi bà Thơm đốn một số cây ăn quả gần nhà để tránh hỏa hoạn lây lan, bà Trang và con xông vào khóa tay, chửi mắng.
Ông Nguyễn Hồng Trân - Trưởng Ban Tư pháp xã Hòa Tân, người trực tiếp xử lý vụ việc - nói: “Việc bà Thơm bị con gái, cháu ngoại hành hung và ngược đãi, công an xã đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt một lần. Nếu tái phạm, theo pháp luật, sẽ có biện pháp đưa người vi phạm đi cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc trường giáo dưỡng (nếu là vị thành niên)”.
Kiện ra tòa
Theo ông Nguyễn Hồng Trân, ngày 21-4, xã đã mời hai bên lên hòa giải nhưng chỉ có bà Thơm đến còn gia đình bà Trang không có mặt, coi như hòa giải không thành. “Theo đúng trình tự pháp luật, chúng tôi đã hướng dẫn bà Thơm kiện ra tòa về phần đất tranh chấp. Chúng tôi thấy có đủ cơ sở để nhận định phần đất và ngôi nhà tình thương (theo diện Nghị định 176) là của bà Thơm”.
Được biết, TAND huyện Cầu Kè đã thụ lý hồ sơ vụ kiện của bà Thơm. “Chẳng đặng đừng tôi mới phải làm như vậy. Khi làm xong giấy tờ nhà đất, tôi sẽ hiến hết cho nhà nước” - bà Thơm nói trong nước mắt.
Bình luận (0)