xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giấy tờ giả, hậu quả khó lường!

Bài và ảnh: Phạm Dũng

Sau khi các giấy tờ giả lọt lưới công chứng, kẻ lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài sản của nhiều người

Công an TP HCM đang điều tra vụ án Trình Thị Điệu (SN 1975, quê Long An) và Lê Thị Thanh (SN 1966; ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) cùng đồng bọn dùng thủ đoạn đóng giả chủ sở hữu một căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) để ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sở hữu giả cách cho giao dịch vay tiền rồi chiếm đoạt 500 triệu đồng.

Thủ đoạn tinh vi

Tháng 2-2009, bà Trần Thị Thúy Vân (SN 1966) đơn phương ký giấy tay thế chấp bản chính giấy tờ nhà cho Lâm Vĩnh Phúc (SN 1964) để vay 60 triệu đồng nhưng không có khả năng trả nợ. Sau đó, Phúc cầm lại giấy tờ này cho Lê Thị Thanh với giá 100 triệu đồng.

Có được bản gốc giấy tờ căn nhà, Trình Thị Điệu và Thanh đã câu kết với những đối tượng khác thuê người đóng giả chủ sở hữu căn nhà để ký hợp đồng công chứng vay 500 triệu đồng. Trần Thị Tuyết Trinh (SN 1970) cùng chồng là Hà Sáng  (SN 1972) được Thanh thuê đóng giả vợ chồng bà Vân ký hợp đồng mua bán nhà công chứng giả cách.

Lê Thị Thanh đã đưa hình thẻ của Trinh và Sáng để Điệu làm CMND giả mang tên vợ chồng bà Vân. Điệu và Thanh đưa hồ sơ, CMND giả cho vợ chồng Trinh đến Văn phòng Công chứng số 1 để ký hợp đồng vay của bà Võ Thị Tân Hòa (SN 1969) 500 triệu đồng. Sau đó, do Lê Thị Thanh không chịu trả tiền lãi nên vợ chồng bà Hòa mang hợp đồng vay tiền đến gặp chủ căn nhà thì mới biết mình bị lừa.

Sở Tư pháp TP HCM cho biết các đương sự trong vụ việc trên đã giả cả người và giấy tờ tùy thân, nhận dạng, dấu vân tay trong hợp đồng… nên công chứng viên khó có thể phát hiện đây là hồ sơ giả! Tuy nhiên, Sở Tư pháp TP đang xem xét trách nhiệm của công chứng viên để có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với tính chất, mức độ của vụ việc theo quy định của pháp luật.

 

Phan Văn Được sử dụng giấy tờ đất giả để lừa đảo, lãnh 15 năm tù
Phan Văn Được sử dụng giấy tờ đất giả để lừa đảo, lãnh 15 năm tù

 

Cơ quan CSĐT Công an TP cũng vừa kết thúc điều tra đối với bị can Phạm Văn Cần (SN 1967, ngụ quận 1) về tội “Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Căn nhà số 245 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 7, quận 3) do Cần đăng ký quyền sở hữu vào năm 2009. Ngày 16-8-2010, tại văn phòng Công chứng Hội Nhập (quận 5), Cần làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu căn nhà này cho bà Lâm Thụy Đài Trang (SN 1970, ngụ quận Phú Nhuận).

Đến ngày 23-11-2010, bà Trang đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do đó, Cần không còn là chủ sở hữu hợp pháp đối với căn nhà trên.

Do không có việc làm ổn định và bản thân cần tiền tiêu xài nên Cần đã nảy sinh ý định làm giả giấy tờ căn nhà mình đã bán cho người khác để thực hiện hành vi trái pháp luật. Đầu năm 2014, Cần nhờ Nguyễn Hoàng Bảo Chương (chưa xác định được lai lịch) làm giả giấy tờ nhà và giới thiệu người cho vay tiền theo hình thức thế chấp. Sau đó, tại một văn phòng công chứng ở quận 3, Cần đã lập thủ tục vay và nhận 200 triệu đồng của ông Tôn Thất Anh Dũng. Sau khi nhận tiền, Cần cho Chương 48 triệu đồng. Nhiều lần liên lạc không được, ông Dũng tìm hiểu thì biết đã sa bẫy của Cần và Chương.

Chủ quan, thiếu cảnh giác

Từng tiếp nhận đơn và tham gia xét xử nhiều vụ án liên quan đến lừa đảo bằng giấy tờ giả, kiểm sát viên Dương Thụy Kim Ngân, VKSND TP HCM, nhận định: “Nhiều đối tượng đã sử dụng giấy tờ giả, sau đó đem đi công chứng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các vụ giấy tờ giả lọt lưới công chứng một phần do chủ quan, thiếu cảnh giác của công chứng viên trong quá trình kiểm tra hồ sơ”.

Theo bà Ngân, rất nhiều đối tượng sử dụng giấy chủ quyền giả đi lừa đảo và trong các vụ này, người mua phải gánh chịu hậu quả. Chủ nhân của giấy tờ gốc bị kẻ khác làm giả cũng gặp không ít phiền toái. Trong các vụ lừa đảo, nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực liên quan đến công chứng viên, gây thiệt hại cho người khác thì trước mắt, văn phòng công chứng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, sau đó xử lý công chứng viên theo quy định của pháp luật.

Để phát hiện giấy tờ giả, các công chứng viên phải thật cẩn thận và tự trang bị kiến thức cho riêng mình. Công chứng viên Hoàng Xuân Ngụ, Trưởng Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân (quận 5), kể: “Bằng biện pháp nghiệp vụ, các công chứng viên của văn phòng đã phát hiện rất nhiều trường hợp mang giấy tờ giả đến công chứng để lừa đảo người khác bằng cách làm hợp đồng vay hoặc mua bán nhà. Khi phát hiện đối tượng sử dụng giấy tờ giả, chúng tôi thường phối hợp với công an để làm rõ”.

Thông thường, các đối tượng lừa đảo đọc thông tin rao bán hoặc cho thuê nhà, sau đó đến hỏi thuê. Khi làm hợp đồng, chúng yêu cầu chủ nhà cho mượn bản gốc để photocopy giấy tờ nhà rồi mang đi làm giả. Một thời gian sau, bằng nhiều cách, kẻ lừa đảo đánh tráo giấy tờ gốc rồi mang đi thực hiện hành vi phạm tội.

 

Cần xác minh kỹ khi thực hiện hợp đồng

Theo ông Hoàng Xuân Ngụ, khi cần mua nhà hoặc thực hiện hợp đồng vay trên giấy tờ nhà, người dân cần đến căn nhà đó để hỏi thăm thông tin về tên tuổi, quê quán, dáng người của chủ nhà. “Nhiều trường hợp chỉ một sơ suất nhỏ mà thiệt hại rất lớn, dù kẻ lừa đảo bị ra tòa cũng rất khó để lấy lại số tài sản đã mất” - ông Ngụ khuyến cáo.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo