Giờ chào cờ đầu tuần, 1.300 học sinh Trường THCS Lê Lợi (quận Tân Phú, TP HCM) hào hứng tham dự phiên tòa giả định mô phỏng phiên tòa trong tòa án. Kịch bản phiên tòa giả định xét xử vụ án "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" do Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM mô phỏng, biên tập lại từ vụ án có thật.
Học sinh thích... dự tòa
Trước bục thẩm vấn, bị cáo (39 tuổi) thừa nhận hành vi dụ dỗ con gái gia đình hàng xóm (11 tuổi) vào quán karaoke rồi giở trò đồi bại. HĐXX kết án 2 năm 6 tháng tù về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Phiên tòa kết thúc, "chủ tọa" phiên tòa bắt đầu bận rộn hơn. Khoảng 10 học sinh thay nhau đặt câu hỏi và được "thẩm phán" nhiệt tình trả lời; đồng thời nói thêm về cách phòng ngừa, đối phó khi gặp tình huống bị xâm hại.
"Xem trực tiếp như thế này, em thấy dễ nhớ và hiểu chính xác hơn xem trên tivi hay mạng xã hội" - Lê Anh Thư, học sinh Trường THCS Lê Lợi, chia sẻ.
Học sinh Trường THCS Lê Lợi đưa ra nhiều câu hỏi chờ “HĐXX” giải đáp
Tương tự, phiên tòa giả định xét xử vụ án "Cướp giật tài sản" do Tòa Hình sự - TAND TP HCM tổ chức tại Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh, TP HCM) thu hút đông đảo học sinh. Trước khi phiên tòa diễn ra, học sinh Trường THPT Đông Đô diễn tiểu phẩm tái hiện một vụ án có thật. Ban tổ chức đưa nội dung tác hại của nạn nghiện game, ma túy đá xen kẽ quá trình xét xử.
Là một trong những người tham gia dàn dựng phiên tòa giả định và chương trình phổ biến pháp luật trong trường học, luật sư Trần Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP) cho biết ban tổ chức thường thay đổi, điều chỉnh chủ đề và kịch bản phù hợp từng thời điểm, đối tượng học sinh. Luật sư Trần Ngọc Nữ khẳng định: "Ngày càng nhiều trường học ở TP HCM ưa chuộng cách làm này".
Dạy từ việc nhỏ
Phiên tòa giả định hay những hình thức khác nhà trường đang áp dụng giúp học sinh hiểu biết về pháp luật, qua đó giúp các em có thêm ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tuy nhiên, theo một số phụ huynh và học sinh, ngoài tổ chức phiên tòa giả định ở trường học, nên chăng cho học sinh trực tiếp tham dự phiên tòa ở tại tòa án. Chị Lê Thị Thúy (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết chị luôn khuyến khích con xem chương trình về pháp luật trên tivi hoặc đến dự những buổi nói chuyện do các đoàn thể phối hợp tổ chức nhưng như vậy chưa đủ. "Con tôi đôi khi thắc mắc liệu những câu chuyện con xem có xảy ra ở thực tế? Vì thế, tôi nghĩ với những học sinh lớp 12 học môn giáo dục công dân có liên quan đến pháp luật và đời sống, nhà trường nên phối hợp với tòa án, tổ chức cho từng nhóm học sinh dự những phiên xét xử một số tội danh như "Cố ý gây thương tích", "Hủy hoại tài sản", "Mua bán trái phép chất ma túy"… Chứng kiến hành vi vi phạm pháp luật phải trả giá ra sao; nỗi đau, nỗi ân hận mà bị cáo, người thân phải gánh chịu để học sinh thấy rằng mỗi một việc làm sai sẽ ảnh hưởng không chỉ bản thân mà còn liên lụy đến nhiều người khác, nhất là gia đình. Từ đó, học sinh biết tôn trọng pháp luật, biết suy nghĩ mỗi khi làm một việc gì đó. Cảm xúc thật sẽ luôn làm người ta nhớ lâu hơn".
Thạc sĩ Trần Xuân Tiến, giáo viên Trường THCS Vân Đồn (quận 4, TP HCM), cho rằng người lớn thường giải quyết xuề xòa khi trẻ xảy ra mâu thuẫn, xung đột bởi cho rằng chuyện con nít, không cần thiết um sùm. Hàng trăm buổi tuyên truyền, hay phiên tòa giả định sẽ như "muối bỏ bể" nếu người lớn ứng xử thiếu hợp lý trong tình huống thường ngày. "Khi trẻ tranh cãi, xung đột, người lớn cần phân tích cặn kẽ, kể cả giải thích việc trẻ làm có thể liên quan đến pháp lý, chỉ rõ hậu quả có thể xảy ra. Như vậy, các em có thể loại bỏ cảm xúc bất phục, tâm tư bất mãn. Khi trẻ nhận thấy người lớn công bằng, tôn trọng pháp luật thì trẻ sẽ tin tưởng, sẵn sàng trao đổi, hợp tác. Kết quả cao hơn là trẻ dần hình thành thói quen ứng xử theo pháp luật" - thạc sĩ Trần Xuân Tiến nhấn mạnh.
Những khiếm khuyết
Nói về những vụ án có nạn nhân trong lứa tuổi học sinh (đa số là bạo hành, xâm hại), tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, đúc kết hầu như trường học không có cán bộ, giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý hay dạy kỹ năng. Sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - lực lượng bảo vệ pháp luật... còn yếu. Có thể do gia đình sợ ảnh hưởng hoặc cơ quan chức năng thờ ơ, nhà trường sợ mất danh hiệu thi đua, thương hiệu... nên nhiều vụ việc không được đưa ra ánh sáng. Một số lãnh đạo nhà trường, chính quyền địa phương tỏ ra thờ ơ, không quan tâm thực sự... Đó là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nạn xâm hại, bạo hành trong thời gian qua.
Bình luận (0)