Trong những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 3 phút quay lại cảnh anh Đ.Đ.T. (SN 1990, ngụ quận 12, TP HCM) đã mở đường cho xe cứu thương đến bệnh viện.
Đoạn đầu của clip, anh T. chạy xe máy phía trước xe cấp cứu, anh liên tục đưa tay nhờ các phương tiện đang di chuyển trên đường nhường đường cho xe cứu thương. Đồng thời anh T. vừa lưu thông vừa nhìn lại phía sau.
Đi ngược chiều, vượt đèn đỏ
Tuy nhiên, theo dõi hết clip, nhiều người cũng không khỏi rùng mình bởi vì để dẫn đường xe cứu thương, anh T. đã vượt đèn đỏ, đánh võng, đi sang làn đường bên cạnh.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM): "Hành động đó phải thừa nhận là tốt thật. Nhưng những lực lượng mở đường họ có nhiệm vụ riêng, được trang bị bộ đàm, còi hú, loa phóng thanh có thể yêu cầu người tham gia giao thông tấp qua bên trái, tấp qua bên phải cho xe đi, khi đó người tham gia giao thông sẽ biết mình cần làm gì. Trong trường hợp của GrabBike, anh T. đã liên tục đánh võng, chạy sai làn đường, vượt đèn đỏ thì đã vi phạm về Luật Giao thông đường bộ về nhiều lỗi" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy bình luận.
Clip tài xế GrabBike mở đường đáng biểu dương nhưng rất dễ gây tai nạn
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, như vậy rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông kể cả nguy hiểm cho xe cứu thương và cho chính bản thân của tài xế GrabBike. Nếu tai nạn xảy ra thì tài xế GrabBike phải chịu trách nhiệm cả về dân sự lẫn hình sự.
Đồng quan điểm, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) nhìn nhận: "Vụ việc một tài xế xe ôm công nghệ mở đường cho xe cứu thương là một nghĩa cử cao đẹp, cần được khuyến khích và biểu dương. Tuy nhiên, nếu thực hiện hành vi không đúng mực, thậm chí cố tình vi phạm pháp luật như vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều thì có lẽ hành vi này đã không còn cao đẹp như mục đích thật sự mà tài xế hướng đến. Trong vụ việc này, mặc dù, hành vi của tài xế chưa gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng phần nào ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của cá nhân tài xế và những người tham gia giao thông".
Coi chừng bị truy cứu
Rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra xoay quanh việc tài xế mở đường cho xe cứu thương – một hành vi có thể được tán dương song khi đánh giá một cách đa chiều dưới góc độ pháp luật thì hành vi của tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào cấm một cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (như trường hợp của tài xế mở đường cho xe cứu thương) đối với một người đang rơi vào tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện trong vụ việc này, tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định về các phương tiện thuộc diện được ưu tiên, bao gồm cả xe cứu thương.
Theo đó, xe này khi đi làm nhiệm vụ sẽ không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Mặt khác, khi có tín hiệu của xe cứu thương, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở.
Mọi hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe cứu thương đều bị xử lý theo quy định (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).
Do vậy, có thể thấy rằng, pháp luật hiện hành đã có những quy định "ưu tiên" cho xe cứu thương khi thực hiện nhiệm vụ và việc thực hiện các hành vi như đi ngược chiều hay vượt đèn đỏ vẫn được cho phép và không vi phạm pháp luật.
Thứ hai, trường hợp của tài xế công nghệ trong vụ việc trên nói riêng và các cá nhân khác nói chung dù thực hiện các biện pháp để hỗ trợ xe cứu thương và hướng đến mục đích là cứu người nhưng nếu vi phạm pháp luật bằng việc vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay lạng lách đánh võng thì cũng không được miễn trách nhiệm mà vẫn phải chịu hình phạt tương ứng với hành vi vi phạm.
Hành vi này có thể bị chế tài hành chính, dân sự, thậm chí nếu vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định của luật giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông như: chạy quá tốc độ cho phép, chạy không đúng làn đường, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông,… thì có thể bị khởi tố hình sự theo điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Như vậy nếu hành vi của cá nhân khi mở đường cho xe cứu thương nhưng lại gây ra thiệt hại về sức khỏe cho người tham gia giao thông khác thì chủ thể vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Từ vụ việc trên, có thể thấy mọi công dân đều có quyền hỗ trợ xe cứu thương hay các phương tiện ưu tiên khi những phương tiện này thực hiện nhiệm vụ và việc mà tài xế xe ôm công nghệ đã thực hiện là đáng được tán dương.
"Tuy nhiên, qua sự vụ này, tôi cũng lưu ý rằng, người dân cần cân nhắc và đưa ra các phương án tối ưu hơn để có thể hỗ trợ cho xe cứu thương và hãy tuân thủ pháp luật để hạn chế thấp nhất những hậu quả gây ra về sức khỏe thậm chí tính mạng cho bản thân mình và người đi đường vừa góp phần hỗ trợ cho các tổ chức thi hành nhiệm vụ đảm bảo chức năng của họ. Và hơn hết để nghĩa cử mà bản thân mình đã làm thật sự cao đẹp như điều mà chúng ta hướng đến", luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.
Không nên có tiền lệ
Theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM, xe cứu thương họ có những đặc quyền riêng của họ để đưa bệnh nhân đến bệnh viện một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, xe cứu thương đi nhanh cũng phải đảm bảo khoảng cách, an toàn cho người đi đường.
"Việc làm của tài xế GrabBike rất đáng hoan nghênh nhưng thiết nghĩ người dân không nên cổ xúy cho việc làm này vì sẽ tạo ra những tiền lệ xấu khi ai cũng được quyền mở đường cho xe cứu thương mà bất chấp những quy định của pháp luật thì không nên và không thể biết trước những hậu quả của việc lạng lách, vượt đèn đỏ này sẽ như thế nào" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói.
Bình luận (0)