Ngày 7-2, Tòa Kinh tế - TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp) kiện Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi) để "Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng".
Cáo buộc
Bảo vệ quyền lợi cho Vinasun, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) phản bác quan điểm yêu cầu đình chỉ vụ án của GrabTaxi. Bởi Vinasun khởi kiện về việc "Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" chứ không khởi kiện việc "Cạnh tranh không lành mạnh".
Đại diện Vinasun đưa ra hàng loạt lời buộc tội Grab tại phiên tòa ngày 7-2
Luật sư của Vinasun trình bày rằng dù loanh quanh né tránh các câu hỏi của nguyên đơn nhưng trước thực tế không thể chối cãi, đại diện GrabTaxi thừa nhận nhiều vấn đề quan trọng. Cụ thể, GrabTaxi đã trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước vận tải, điều chỉnh tăng - giảm giá cước vận tải nhiều lần trong ngày, thu tiền hành khách đặt xe, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút người chạy xe...
Ngoài ra, GrabTaxi còn xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm quy chế do công ty đặt ra; kết nối với một số ngân hàng để giúp lái xe vay tới hơn 90% giá trị xe.
"Khi đặt xe và sử dụng GrabTaxi, khách hàng thanh toán bằng cách chuyển thẳng từ tài khoản của khách hàng vào tài khoản GrabTaxi (nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng). Việc thanh toán này cho thấy khách đã thanh toán cho dịch vụ vận chuyển chứ không phải thanh toán cho việc thuê phần mềm dịch vụ. Tại phiên tòa, đại diện GrabTaxi cũng thừa nhận có việc thu tiền của hành khách đặt xe" - luật sư Đức nói.
Từ những nhận định trên, luật sư của Vinasun nói rằng GrabTaxi đã đánh tráo khái niệm để né tránh các điều kiện kinh doanh taxi theo luật định, lách luật, trốn thuế.
Phản bác
Bảo vệ cho GrabTaxi, luật sư nói rằng đối với cáo buộc của Vinasun cho rằng GrabTaxi có hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi trái pháp luật: Cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Vinasun chưa cung cấp được quyết định của cơ quan quản lý về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với GrabTaxi.
Đối với cáo buộc rằng GrabTaxi thực hiện không đúng "Quyết định 24" của Bộ GTVT và vi phạm pháp luật về khuyến mãi, phía GrabTaxi nói rằng Vinasun không thể cung cấp được quyết định xử phạt của Bộ GTVT và Bộ Công Thương.
Ngoài ra, luật sư phía GrabTaxi cho rằng các báo cáo nghiên cứu thị trường của Vinasun chưa được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào thừa nhận. Do đó, các báo cáo này không có giá trị chứng cứ chứng minh cho thiệt hại của Vinasun. Chưa xét đến giá trị pháp lý của 2 báo cáo nghiên cứu đánh giá thiệt hại của Vinasun, cách tính thiệt hại được nêu trong 2 báo cáo này và của Vinasun là không có căn cứ.
Yêu cầu GrabTaxi cung cấp chứng cứ
HĐXX đã yêu cầu GrabTaxi cung cấp những chứng cứ quan trọng như hợp đồng, danh sách hợp tác xã, giá cả và quy định về giá cũng như khuyến mãi; cung cấp về nghĩa vụ đóng thuế, báo lỗ 938 tỉ đồng.
Ban đầu, đại diện GrabTaxi nói không thể cung cấp danh sách nhưng sau đó nói rằng sẽ cung cấp cho HĐXX sau. GrabTaxi cũng thừa nhận mỗi hợp tác xã đều có hợp đồng và được ký hợp đồng theo mẫu. GrabTaxi sẽ cung cấp danh sách hợp tác xã cũng như hợp đồng mẫu đã ký với đối tác.
Chủ tọa chất vấn bị đơn rằng theo thực tế thì mỗi khách hàng khi đi từ điểm A đến điểm B nhưng giá lại không cố định, thay đổi liên tục trong ngày. Vậy giá này là do hợp tác xã đưa ra hay là GrabTaxi ấn định giá? Đại diện GrabTaxi trả lời rằng đây là do hợp tác xã ra giá tùy theo thời gian, nhu cầu của khách cũng như thời tiết nắng hay mưa…
Bình luận về việc này với phóng viên, luật gia Nguyễn Ngọc Duy Mỹ (giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP HCM) cho biết có thể thấy hai dấu hiệu quan trọng để nhận định rằng GrabTaxi không còn là đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải mà là một đơn vị kinh doanh vận tải. Đó là, không có một doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải nào trong việc triển khai dịch vụ này mà chỉ có bản thân GrabTaxi và những người chạy xe có hợp tác với GrabTaxi. Ngoài ra, nếu chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải thì GrabTaxi chỉ có chương trình thu hút đơn vị vận tải - là bên cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải - chứ không được có chương trình thu hút người đi xe - là một loại khách hàng của dịch vụ kinh doanh vận tải.
Theo quy định tại khoản 1-2-3, điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng ô tô thì GrabTaxi đã vi phạm những quy định trong kế hoạch thí điểm. Cụ thể là không hoạt động đúng là đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải theo kế hoạch này mà lại là hoạt động kinh doanh vận tải. Cũng theo luật gia Duy Mỹ, Bộ GTVT phải có trách nhiệm trong việc phát hiện vi phạm của GrabTaxi nhưng việc theo dõi quá trình thực hiện thí điểm này đã có nhiều thiếu sót.
Sau khi hội ý, xét thấy cần thu thập bổ sung tài liệu, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng không quá một tháng kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa, thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Tòa án EU xem Uber là công ty taxi
Không chỉ bị tước giấy phép hoạt động ở thủ đô London - Anh, hãng Uber (kinh doanh tương tự như Grab - PV) còn bị buộc phải rời khỏi một số quốc gia như Đan Mạch và Hungary. Đặc biệt, Liên đoàn Taxi Tây Ban Nha, đại diện cho gần 1/2 tổng số 70.000 xe taxi truyền thống của Tây Ban Nha, đã hoan nghênh phán quyết của Tòa án Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối năm ngoái về việc Uber nên được điều chỉnh thành một công ty taxi thay vì là dịch vụ công nghệ. Trước đó, hồi tháng 5-2015, Tòa án Milan đã ra phán quyết cấm UberPop - một dịch vụ giá rẻ của Uber - trên toàn lãnh thổ Ý với lý do cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống. X.MAI
Cơ quan quản lý đã cố gắng!
Trước ý kiến cho rằng Bộ GTVT không theo kịp xu thế, dẫn đến các doanh nghiệp vận tải công nghệ có thể qua mặt, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng: Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đây là việc thí điểm trong 2 năm để rút kinh nghiệm chứ không phải là cơ chế quản lý của nhà nước đối với loại hình này.
"Rõ ràng việc cơ quan quản lý đang sửa Nghị định 86/2014/NĐ-CP, trong đó có đưa vào những quy định chặt chẽ với loại hình hợp đồng điện tử, cho thấy họ đang cố gắng" - ông Liên nhận xét. V.DUẨN
Bình luận (0)