Cướp tàu như trên phim
Theo đó, ngày 16-11, tàu của ông Sann Winnaung nhận nhiệm vụ chở dầu từ cảng Pasir Gudang đến cảng Miri (Malaysia). Đến khoảng 3 giờ ngày 18-11, khi đang đi ngang vùng biển của Indonesia, bất ngờ một tàu nhỏ áp sát, 11 đối tượng tay lăm lăm súng ngắn và dao dài leo lên tàu Zafirah, dồn tất cả mọi người vào cabin chốt cửa lại. Nhiều lần, các thủy thủ và thuyền trưởng Sann Winnaung bàn tính phương án thoát thân nhưng đều không thành vì bọn cướp thay phiên canh phòng cẩn mật, đe dọa bắn chết nếu người nào có ý định bỏ trốn.
Đến khoảng 21 giờ ngày 20-11, bọn cướp thả một chiếc xuồng cứu sinh xuống biển, sau đó yêu cầu các thủy thủ lần lượt leo xuống rồi thả trôi tự do. Đến tờ mờ sáng hôm sau, khi đang trôi trên biển, các thủy thủ phát hiện 2 chiếc tàu cá của ngư dân Việt Nam nên đã kêu cứu. Lập tức, 2 tàu cá của ông Bạch Lứa (ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đưa các thủy thủ bị nạn lên cho ăn uống, nghỉ ngơi, sau đó báo cho cơ quan chức năng đề nghị giúp đỡ.
Sơn lại cả tàu
Sau khi nhận được tin báo tàu Zafirah bị cướp biển tấn công, Phó chỉ huy Vùng 3 Cảnh sát biển, đại tá Đinh Văn Nghiêm, đã cử nhiều tàu cảnh sát biển tuần tra tìm kiếm. Đến chiều 21-11, phát hiện một tàu cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 50 hải lý có nhiều nghi vấn, lực lượng cảnh sát biển tiến hành đuổi theo nhưng chỉ được một lúc, con tàu bỗng biến mất.
Ở một mũi khác, tàu cảnh sát biển chia thành 2 biên đội tổ chức truy tìm tàu Zafirah. Đến khoảng 2 giờ ngày 22-11, biên đội tàu cảnh sát biển 4031, 4034 phát hiện một chiếc tàu lạ có tên là Sea Horse, neo đậu cách mũi Vũng Tàu hơn 40 hải lý nhưng màu sơn khác với mô tả của các thủy thủ. Tiến gần quan sát qua ống nhòm, lực lượng cảnh sát biển bất ngờ phát hiện chữ Zafirah đã bị bôi mờ.
Đại tá Lê Xuân Thanh, chỉ huy trưởng Vùng 3 Cảnh sát biển, xin ý kiến thủ trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam rồi quyết định tấn công. Sau gần một giờ trấn áp, lực lượng Vùng 3 Cảnh sát biển đã bắt gọn toàn bộ 11 đối tượng, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.
Hiện các nghi can cướp biển đang được giam giữ tại trại giam Phước Cơ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và được Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành lấy lời khai. Tuy nhiên, do nhiều nghi can không biết tiếng Anh nên việc lấy lời khai gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng ngày, đại diện Lãnh sự quán Indonesia tại TPHCM đã đến TP Vũng Tàu thăm hỏi các thủy thủ tàu Zafirah bị cướp tấn công. Ở một diễn biến khác, lúc 12 giờ 30 phút ngày 23-11, tàu Zafirah đã được lực lượng cảnh sát biển đưa vào neo đậu tại vùng biển Bãi Trước, TP Vũng Tàu để phục vụ công tác điều tra. Cơ quan chức năng cũng đã niêm phong hơn 320.000 lít dầu trên tàu.
Cảnh sát biển Việt Nam rất dũng cảm Theo một thủy thủ người Indonesia, rất khó phân biệt được các nghi can cướp biển là người Indonesia hay Malaysia. Bởi theo thủy thủ này, khi thực hiện vụ cướp tàu, những tên cướp nói tiếng Melayu, đây là ngôn ngữ mà người Indonesia và Malaysia đều sử dụng trong giao tiếp. Phát biểu với báo chí, thuyền trưởng Sann Winnaung vui mừng nói: “Tôi rất cảm ơn lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, các bạn rất dũng cảm. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn các bạn”. |
Bình luận (0)