Chiều 16-7, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về VKSND huyện Krông Búk để điều tra lại đối với vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ xảy ra cách đây 5 năm.
Nhân chứng cũng chia phe
Ngày 30-4-2010, Trần Thanh Sang (SN 1988) và Trần Thọ Đức (SN 1990, đều ngụ huyện Krông Búk) cùng một số người tổ chức nhậu tại cửa hàng điện thoại của Sang. Sau đó, Sang và Đức chở nhau trên xe máy của Đức đi nhậu tiếp. Nhậu xong, cả hai lên xe máy lạng lách, đánh võng và gây tai nạn làm em Lê Quang Linh (học sinh lớp 11) tử vong. Sang bị thương tật 55%, Đức bị thương nhẹ.
Sau quá trình điều tra, Đức bị TAND huyện Krông Búk tuyên phạt 3 năm tù về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho gia đình Linh hơn 69 triệu đồng, Sang 40 triệu đồng. Đức kháng cáo nên tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên hủy án sơ thẩm.
Tháng 8-2013, Cơ quan Điều tra Công an huyện Krông Búk đình chỉ điều tra đối với Đức và khởi tố Sang về tội danh trên. TAND huyện Krông Búk đưa vụ án ra xét xử, phạt Sang 18 tháng tù giam. Sang kháng cáo nên ngày 15-7-2015, TAND tỉnh Đắk Lắk lại đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 2.
Tại phiên tòa lần này, cả Đức và Sang đều khẳng định mình không lái xe gây tai nạn. Các nhân chứng cũng chia làm 2 nhóm, một nhóm khai có lợi cho Đức, nhóm kia khai có lợi cho Sang.
Điều tra không trung thực
Theo trình bày của Đức, sau khi xảy ra tai nạn, sáng 1-5-2010, công an đến chở Đức ra làm hiện trường rồi ký vào biên bản. Tuy nhiên, theo HĐXX, biên bản hiện trường hồ sơ vụ án thể hiện lập hồi 20 giờ ngày 30-4-2010, kết thúc lúc 21 giờ 30 phút cùng ngày và chỉ mình Đức ký là người làm chứng.
Hơn nữa, biên bản hiện trường còn ghi “trong quá trình khám nghiệm hiện trường, chúng tôi đã vẽ sơ đồ chụp ảnh mô phỏng hiện trường” nhưng bản ảnh chụp thể hiện ban ngày là không khách quan, trung thực, không đúng quy định. Vì vậy, theo HĐXX, phải tiến hành thực nghiệm điều tra có sự chứng kiến của người làm chứng để vụ án được xem xét toàn diện, khách quan.
Ngoài ra, dù lời khai của một số nhân chứng có nhiều mâu thuẫn nhưng cấp sơ thẩm vẫn căn cứ vào đó để kết tội Sang là không thỏa đáng. Bên cạnh đó, kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng căn cứ vào sơ đồ hiện trường, bản ảnh, kết luận giám định pháp y tử thi... là chưa có cơ sở. Vì vậy, cần trưng cầu giám định lại tại Viện Khoa học Hình sự (Hà Nội) để xác định ai là người cầm lái.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau phiên tòa, thẩm phán Lê Thị Vinh, chủ tọa phiên tòa, cho biết quá trình xét xử vụ án này gặp rất nhiều khó khăn do bị cáo chối tội, quá trình điều tra vụ án không trung thực... “Tôi rất đau đáu về vụ án này, không thể vội vàng tuyên án bởi có thể dẫn đến oan sai nên buộc phải trả hồ sơ” - bà Vinh lý giải.
Một thỏa thuận mờ ám
Sau vụ tai nạn, công an thu giữ một bản thỏa thuận viết tay giữa gia đình của Sang và Đức đề ngày 14-6-2010 có nội dung: “Sang nhận lái xe, Đức ngồi sau. Khi ra pháp luật, chính quyền thì gia đình Đức cùng chịu trách nhiệm với gia đình Sang về việc bồi thường với gia đình mất con...”. Bà Trần Thị Thế (mẹ Sang) cho biết sau khi vụ việc xảy ra, gia đình Đức nhờ Sang nhận là người lái xe vì họ có điều kiện lo cho gia đình người bị hại và Đức chuẩn bị thi cao đẳng. “Tôi không được học hành, tưởng gây tai nạn chỉ cần bồi thường cho gia đình bị hại chứ không bị đi tù nên mới bắt Sang ký, giờ chính tôi đưa con vào tù” - bà Thế nghẹn ngào.
Bình luận (0)