Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Danh Tạo (57 tuổi, ngụ tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cùng vợ là Hồ Thị Hải (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Sống khỏe và Pháp luật) và Hồ Kim Cường (35 tuổi, em vợ ông Tạo, cộng tác viên của một tạp chí) để điều tra về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Chỉ cần nói "xe của Tạo"
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, sau một thời gian theo dõi, nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng phát hiện thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và một số tỉnh thành khác, xuất hiện tình trạng một số đối tượng tự xưng là phóng viên cơ quan báo chí (chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) để sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, trực tiếp lấy lời khai đối với ông Lê Danh Tạo (Ảnh Công an Hà Tĩnh)
Trước tình hình trên, Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh, đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành tập trung nhiều biện pháp để đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn.
Lần theo các dấu vết cũng như tài liệu thu thập được, lực lượng đánh án phát hiện được nổi bật lên tất cả là ổ nhóm do ông Lê Danh Tạo cầm đầu. Điều đáng nói, tham gia và hỗ trợ đắc lực cho ông Tạo trong đường dây này lại là Hả i- vợ của ông Tạo và Cường-em trai của Hải.
Ông Tạo từng là nhà báo, cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí, nên có quen biết với nhiều CSGT, Thanh tra giao thông trên các tỉnh thành cả nước, đồng thời cũng quen biết với một số nhà xe vận tải hàng hóa đường dài.
Lực lượng chức năng tiến hành đọc lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Thị Hải (Ảnh Công an Hà Tĩnh)
Ông Tạo nhận thấy nhiều lái xe thường mắc các lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nên đã yêu cầu các tài xế chung chi từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng/xe để nhận được "bảo kê" từ mình. Đồng thời, ông Tạo cam kết cũng như căn dặn các tài xế nếu gặp lực lượng chức năng chỉ cần nói là "xe của Tạo" thì sẽ được lực lượng chức năng bỏ qua, hoặc nếu bị dừng kiểm tra thì ông Tạo sẽ trực tiếp gọi điện để can thiệp.
Không dừng lại ở đó, ông Tạo còn cùng đồng bọn trực tiếp đặt vấn đề với CSGT, Thanh tra giao thông xin được tạo điều kiện, bỏ qua các lỗi hoặc xử lý nhẹ các lỗi mà các lái xe đã đóng tiền "luật" vi phạm phải.
một số tang vật vụ án được ông Tạo dùng cho quá trình phạm tội (Ảnh Công an Hà Tĩnh)
Trong trường hợp nếu lực lượng chức năng không đồng ý, các đối tượng sẽ đe dọa viết bài bôi nhọ, xuyên tạc, tìm mọi cách để phát hiện các sai phạm trong quá trình công tác của lực lượng CSGT, từ đó đe dọa, khống chế.
Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, để hợp thức hóa số tiền "luật" mà các lái xe phải đóng hàng tháng là tiền "phí" vào hợp tác xã, thành lập các nhóm Zalo kín để trao đổi thông tin liên quan. Với thủ đoạn trên, mỗi tháng các đối tượng thu lợi bất chính số tiền trên 1 tỉ đồng.
Quyết định "cất vó"
Núp bóng võ bọc là doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải để thực hiện hành vi phạm tội, dưới sự chỉ đạo của ông Lê Danh Tạo, Hải nắm giữ vai trò là quản lý các tài khoản ngân hàng nhận tiền luật, nhắc nhở các lái đóng tiền luật hàng tháng, gửi logo cho các lái xe, còn Cường hỗ trợ trong việc đặt vấn đề với các trạm CSGT.
Dưới sự "bảo kê" của đường dây này, các xe vận tải hàng hóa đường dài thường xuyên vi phạm các lỗi hành chính khác nhau như quá khổ, quá tải, quá tốc độ, vượt đèn đỏ…, khiến dư luận bức xúc.
Thông tin với báo chí, Thượng tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết sau quá trình theo dõi, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng đánh án đã tiến hành "cất vó", ra lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của các đối tượng Tạo, Hải và Cường, thu giữ nhiều tang vật liên quan đến vụ án.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết thời gian qua tại địa bàn Hà Tĩnh có không ít đối tượng làm thẻ phóng viên, nhà báo giả để "qua mặt" lực lượng CSGT, xin bỏ qua vi phạm. Có những đối tượng dùng thẻ giả, mạo danh cơ quan báo chí để "tác nghiệp" với mục đích trục lợi. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp dùng thẻ nhà báo giả để lừa đảo, tống tiền doanh nghiệp.
Lực lượng chức năng di lý Hồ Thị Hải về cơ quan điều tra (Ảnh Công an Hà Tĩnh)
"Thực tế cho thấy hiện tại có nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật. Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức nghề nghiệp, uy tín của những người làm báo chân chính. Đối với những người từng là phóng viên, nhà báo, hơn ai hết họ hiểu biết về pháp luật, về đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, vì tư lợi, sử dụng nhiều thủ đoạn để trục lợi, cưỡng đoạt đoạt tài sản, phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, để phòng ngừa, giáo dục chung", Đại tá Nguyễn Hồng Phong nói.
Bình luận (0)