Như Báo Người Lao Động đã thông tin trước đó, khoảng 8 giờ ngày 28-6, sau khi thí sinh bắt đầu làm bài thi môn văn khoảng 30 phút, trên mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh chụp đề thi chính thức môn ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Đề thi Văn bị lọt ra ngoài được chia sẻ trên các trang mạng sáng 28-6. Ảnh: Facebook
Vào cuộc xác minh, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) đã xác định được một thí sinh thuộc Hội đồng thi của tỉnh Cao Bằng có hành vi sử dụng điện thoại iPhone 11 chụp ảnh đề thi sau khi phát đề khoảng 15 phút và gửi cho người thân để nhờ giải bài giúp.
Chiều cùng ngày 28-6, có nhiều nghi vấn về việc lọt đề thi toán, A03 xác định thí sinh đến từ Hội đồng thi của tỉnh Yên Bái chụp ảnh đề gửi ra ngoài. Lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh trường hợp này.
Phân tích về vụ việc nêu trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), cho biết việc đưa đề thi ra ngoài, lan truyền trong khoảng thời gian đã đề cập là hành vi làm lọt đề thi ra ngoài, có dấu hiệu vi phạm quy chế thi và còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), A03 vào cuộc xác minh làm rõ để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định, đề thi tốt nghiệp THPT là loại tài liệu tối mật, được bảo vệ theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước. Với đề thi chưa được công bố mà cố ý hoặc vô ý làm lộ, lọt thì người làm lộ đề thi sẽ bị xử lý hình sự về tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" hoặc tội "vô ý làm lộ bí mật nhà nước".
Trong tình huống nêu trên, đề thi đã được công bố, đã được công khai đối với các thí sinh, ảnh chụp cho thấy đề có chữ ký của cả hai giám thị nên quy định về bảo mật sẽ không còn chặt chẽ như lúc chưa được công bố. Bởi vậy, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người làm lộ lọt đề thi này ra bên ngoài là thí sinh thì thí sinh này vi phạm quy chế thi và sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, mức cao nhất có thể là đình chỉ thi, hủy bỏ kết quả thi.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy người làm lộ lọt đề thi này ra bên ngoài là người có chức vụ quyền hạn (cán bộ coi thi hoặc các cán bộ khác có liên quan đến kỳ) thì hành vi này là làm trái công vụ, gây thiệt hại cho nhà nước, có thể bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong vụ việc này, nếu hành vi làm lọt đề thi ra bên ngoài mà không có lỗi của giám thị (giám thị không biết và không thể biết do hành vi gian lận của thí sinh quá tinh vi, sử dụng phương tiện điện tử để truyền tin...) thì yếu tố "lỗi" nằm ở thí sinh. Khi đó, giám thị sẽ không bị xử lý.
Theo Luật sư Cường, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, không ai được sử dụng các thiết bị thu phát thông tin trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của hội đồng thi, trừ điện thoại cố định có loa ngoài, máy tính. Trách nhiệm của cán bộ coi thi là phải kiểm tra các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, tuyệt đối không để thí sinh mang vào phòng thi các tài liệu và vật dụng bị cấm theo quy định.
Sáng 29-6, theo Bộ GD-ĐT, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng thi liên quan đình chỉ thi 2 thí sinh trên do vi phạm quy chế thi, đồng thời tạm dừng nhiệm vụ coi thi đối với các cán bộ liên quan. "Sự việc trên không ảnh hưởng đến kỳ thi vì theo kết quả xác minh sự việc, đây là hành vi sai phạm của cá nhân các thí sinh và hiện chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài gửi vào phòng thi" - Bộ GD-ĐT khẳng định.
Bình luận (0)