Ngày 9-1, Công an TP HCM cho biết đang lấy lời khai Phạm Văn Đoan (còn gọi là Tròn, SN 1986) về hành vi đâm chết người. Tròn được xác định đã dùng hung khí đâm anh L.T.D (SN 1989, thượng úy công an công tác tại Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10) tử vong.
Án mạng sau va chạm xe
Khuya 6-1, anh D. trên đường từ cơ quan về, khi đến vòng xoay đường Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng (phường 1, quận Gò Vấp) thì xảy ra va chạm xe với Tròn cùng một người nữa. Xô xát xảy ra, Tròn trong tình trạng say xỉn đã dùng dao đâm anh D. 6 nhát.
Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Công an quận 10 sau đó cử cán bộ liên hệ Công an quận Gò Vấp để phối hợp giải quyết, đồng thời cử người túc trực tại bệnh viện để hỗ trợ gia đình anh D. Một số đồng đội của anh D. cho biết vợ anh vừa sinh con chưa đầy tháng.
Công an TP HCM cũng vừa xử lý vụ án mạng trên địa bàn quận 4. Vụ việc xuất phát từ va chạm nhỏ trên đường giữa Trương Hồng Phước (SN 2004) và anh L.V.D (SN 2000). Vẫn còn tức giận, sau khi về nhà, Phước kể cho nhóm bạn nghe rồi cùng nhau đi tìm anh D. để giải quyết mâu thuẫn. Trong lúc hỗn chiến, anh D. đã bị nhóm Phước đâm tử vong.
Một vụ khác, chiều 7-10-2022, trên đường Hà Huy Tập (TP Buôn Ma Thuột) xảy ra va chạm giao thông giữa một nam thanh niên đi xe máy với ôtô do ông Y.T (56 tuổi; trú xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) điều khiển. Nam thanh niên đuổi theo một đoạn đường thì chặn đầu ôtô. Sau đó, hai bên cãi cọ. Bất ngờ, nam thanh niên rút dao ra tấn công ông Y.T gục tại chỗ. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sau khi gây án, đối tượng bỏ xe lại hiện trường, chạy vào lâm viên TP Buôn Ma Thuột lẩn trốn nhưng không thoát.
Hiện trường vụ án mạng sau va chạm giao thông ở quận Gò Vấp, TP HCM
Kỹ năng kiểm soát cơn giận
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng tình hình tai nạn giao thông, va quẹt giao thông đều là những sự việc đáng tiếc và ngoài ý muốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến án mạng đau lòng sau đó là do nhiều người có thói quen thủ dao trong người, trong xe. Khi cơn tức giận bùng phát, họ sẵn sàng tấn công, tước đoạt mạng sống của người khác.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ rất đau lòng khi đọc những thông tin về những vụ án mạng sau va chạm giao thông. Theo bà, mỗi cá nhân sinh ra vốn hiền lành nhưng chỉ vì một lý do nhỏ mà khiến họ trở thành một con người khác. "Mọi người phải kiềm chế, mình không thể để sự nóng nảy lấn át lý trí của bản thân. Văn hóa tham gia giao thông thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người. Tôi nghĩ sau va chạm thì một tiếng xin lỗi sẽ xoa dịu đi mọi bực bội trong mỗi người" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu đưa ra lời khuyên.
Nhiều năm tham gia công tác xét xử, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM - nói rằng đã đọc rất nhiều hồ sơ các vụ án mạng liên quan đến những mâu thuẫn nhỏ. Bà từng suy nghĩ rất lâu một vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Trong vụ này lỗi là do bị hại, chỉ vì đụng xe không gây thương tích, không gây thiệt hại về tài sản nhưng đã chạy theo để truy đuổi bị cáo.
"Đáng buồn, người mẹ đi cùng bị cáo nhưng không xoa dịu, không can ngăn con. Để rồi, sau đó bà phải mất đi đứa con trai mà hết mực yêu thương và đó là nỗi ân hận lớn nhất trong cuộc đời người mẹ này" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ kể.
Theo bà Nhuệ, người dân ở Việt Nam tham gia giao thông chủ yếu bằng phương tiện cá nhân. Do vậy, việc va quẹt trên đường là hết sức bình thường nhưng sau đó để dẹp tâm lý bực dọc, hiếu thắng, muốn sử dụng bạo lực nhằm trấn áp đối phương lại là cả một vấn đề thuộc về kỹ năng sống. Do vậy, điều dễ làm nhất là hãy giải quyết ôn hòa khi xảy ra sự cố va chạm. Nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì có thể gọi công an, CSGT hoặc tổng đài 113 nhờ can thiệp. Pháp luật có những điều luật rất rõ ràng để điều chỉnh các hành vi gây thiệt hại khi va chạm giao thông. "Trong nhiều trường hợp, khi không kiểm soát hành vi cộng thêm việc đã sử dụng rượu bia sẽ kéo theo những hệ lụy đáng tiếc. Các bên phải hết sức bình tĩnh để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói.
Chặn mầm mống xung đột từ đầu
Hàng chục năm tham gia công tác tham vấn, hỗ trợ kiến thức pháp luật cho người yếu thế, trẻ vị thành niên, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ trẻ em TP HCM) nhận xét có những vụ án do thiếu niên gây nên với "hậu quả mặn chát".
Luật sư Ngọc Nữ thừa nhận hiện có tình trạng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, tội phạm vị thành niên cũng tăng nhanh chóng. Một số vụ, các em chỉ xích mích nhỏ cũng lên mạng rủ bạn đi giải quyết mâu thuẫn và án mạng đã xảy ra.
Để các em bình tĩnh xử lý những vụ việc phát sinh trong cuộc sống nói chung, va chạm giao thông trên đường nói riêng, luật sư Ngọc Nữ đề xuất giải pháp: Tiếp tục nhiều biện pháp tuyên truyền trong khu dân cư, cùng với đó là các tác động nhằm ngăn chặn những mầm mống xung đột ngay từ đầu chứ không thể để ra hậu quả mới giải quyết.
Bình luận (0)