Sau khi TAND tỉnh An Giang kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Buôn lậu" 80 tấn đường cát vào ngày 26-10 vừa qua, bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức "trùm" buôn lậu Mười Tường, SN 1969; ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) đến nay đã ra hầu tòa đến 5 vụ án.
Trong hầu hết các vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh thường kêu oan và không thừa nhận tội.
Cụ thể: "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài"; "Buôn lậu" đường cát (2 vụ); "Buôn lậu" 51 kg vàng; "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Hiện còn vụ án liên quan tội "Rửa tiền" đang chờ ngày đưa ra xét xử.
Vào ngày 23-2-2022, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Hạnh 8 năm tù giam về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Trong vụ án này, Hạnh một mực khẳng định mình bị vu khống, bị oan, cũng như không giữ vai trò chủ mưu, điều hành hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Đến ngày 21-11-2022, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" liên quan đến 470.000 USD, Hạnh khai kẻ chủ mưu là người khác. Tuy nhiên, HĐXX bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Hạnh và khẳng định bản án sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo là phù hợp.
Nguyễn Thị Kim Hạnh nghe đọc lệnh khởi tố. Ảnh: CAAG
Còn trong vụ vận chuyển 200.000 tấn đường cát, ngày 9-1-2023, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt Nguyễn Thị Kim Hạnh 14 năm tù về tội "Buôn lậu", phạt bổ sung 90 triệu đồng.
Theo kết quả điều tra, từ năm 2010 - 2020, Nguyễn Thị Kim Hạnh đã trực tiếp mua trên 200.000 tấn đường cát, trị giá hơn 2.885 tỉ đồng từ Campuchia mang về Việt Nam bán cho 33 người tại: An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và TP HCM.
Tội nối tiếp tội, Hạnh bị đưa ra xét xử trong vụ án thứ 3. Ngày 10-2-2023, trong phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang tuyên phạt bị cáo Hạnh 3 năm tù và phạt bổ sung 40 triệu đồng về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".
Đây là vụ án có liên quan mật thiết với vụ án vận chuyển gần 51 kg vàng. Bởi sau khi việc vận chuyển gần 51 kg vàng bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ, Hạnh đã tổ chức cho "đàn em" bỏ trốn sang Campuchia để tránh trách nhiệm hình sự.
Các bị cáo trong vụ vận chuyển gần 51 kg vàng qua biên giới.
Đến tháng 8-2023, vụ buôn lậu gần 51 kg vàng từng gây rúng động vùng biên An Giang đã được TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử.
Trong vụ án này, HĐXX xác định Hạnh có vai trò quan trọng nhất. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Kim Hạnh 16 năm tù về tội "Buôn lậu" và 7 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Tổng mức hình phạt đối với bị cáo Hạnh là 23 năm tù.
Có một điều xuyên suốt các vụ án là Nguyễn Thị Kim Hạnh luôn khẳng định mình bị oan, không thừa nhận hoặc chỉ thừa nhận một phần nhỏ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, với các chứng cứ không thể chối cãi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra chứng minh được, HĐXX có đủ căn cứ để buộc tội.
Trải qua nhiều lần ra toà, bà "trùm" buôn lậu thường mang thuốc theo bên mình.
Ngoài ra, để hoạt động buôn lậu được thuận lợi, Hạnh thường nhờ sự giúp sức của cán bộ công an. Chẳng hạn, trong vụ buôn lậu 80 tấn đường cát, Hạnh đã được sự "bảo kê" của Nguyễn Văn Võ (cựu Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Tân Châu, Công an tỉnh An Giang) để vận chuyển đường từ biên giới Campuchia về Việt Nam an toàn.
Trong vụ án này, ngày 26-10-2023, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Hạnh 13 năm tù về tội "Buôn lậu", phạt bổ sung 100 triệu đồng và nộp lại 1,2 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính từ việc buôn lậu để sung công quỹ nhà nước.
Bên cạnh đó, trong vụ án liên quan tội "Rửa tiền" xảy ra năm 2021, Hạnh đã cấu kết với một cán bộ Công an tỉnh An Giang để thực hiện hành vi phạm tội. Đây là vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới.
Như vậy, đến nay, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt Hạnh trong 5 vụ án. Hạnh bị phạt 8 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới"; 14 năm tù về tội "Buôn lậu" 200.000 tấn đường cát; 3 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài"; 13 năm tù về tội "Buôn lậu" 80 tấn đường cát. Riêng vụ án vận chuyển gần 51 kg vàng, Hạnh bị HĐXX tuyên phạt 16 năm tù về tội "Buôn lậu" và 7 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Tổng mức hình phạt đối với bị cáo Hạnh là 23 năm tù.
Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 55 và Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, nếu một người phạm nhiều tội và bị đưa ra xét xử ở nhiều vụ án khác nhau, hình phạt cao nhất của các bản án mà họ bị xét xử chỉ là hình phạt tù có thời hạn, thì khi tổng hợp hình phạt tù cũng không quá 30 năm. Như vậy, áp dụng theo luật, bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh sẽ bị phạt tù tối đa 30 năm.
Bình luận (0)