Nhằm phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; nâng cao kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa của kiểm sát viên (KSV), ngành kiểm sát đã triển khai số hóa hồ sơ vụ án hình sự. Theo VKSND TP HCM, việc ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa hồ sơ đang là yêu cầu tất yếu của quá trình cải cách tư pháp.
Bị cáo khó chối tội
Tại phiên tòa số hóa, KSV công bố cáo trạng đồng thời trình chiếu bản cáo trạng đã được số hóa lên màn hình cho những người có mặt tại phiên tòa theo dõi. Bên cạnh đó sẽ trình chiếu bản ảnh các tài liệu, chứng cứ, lời khai trong quá trình xét hỏi, tranh luận, sau khi được hội đồng xét xử (HĐXX) chấp thuận.
Trường hợp bị cáo thay đổi, phủ nhận lời khai trước đó hoặc cho rằng bị mớm cung, dùng nhục hình trong quá trình lấy lời khai tại CQĐT, hoặc phát sinh nội dung mới cần phải đối chất, đối chiếu với những lời khai trước để xác định sự thật khách quan…, KSV sẽ đề nghị HĐXX cho chiếu đoạn phim, clip, đoạn ghi âm đối với bị cáo trong quá trình điều tra.
Chỉ nên áp dụng phiên tòa số hóa khi có nhiều bị cáo. (Ảnh minh họa: Phiên tòa xử Trần Ngọc Phúc và đồng phạm)
Trong quá trình luận tội, KSV đồng thời cho chiếu những tình tiết, nội dung, căn cứ pháp lý quan trọng để chứng minh bị cáo có tội. Ngoài ra, khi tranh luận với luật sư, bị cáo và những người khác, để bảo vệ cáo trạng, quan điểm của VKSND và làm rõ những nội dung tranh luận…, KSV sẽ công bố và trình chiếu công khai các tài liệu, chứng cứ, căn cứ pháp lý có liên quan.
Theo VKSND TP HCM, áp dụng số hóa hồ sơ vụ án hình sự sẽ tiết kiệm được thời gian tìm kiếm, giảm không gian lưu trữ, quản lý tài liệu vĩnh viễn, hạn chế hư hỏng, mất mát tài liệu do các yếu tố thời tiết, côn trùng, hỏa hoạn, ẩm mốc... Việc số hóa hồ sơ sẽ giúp KSV công bố những tài liệu như biên bản, lý lịch, các quyết định tố tụng, chứng cứ buộc tội, gỡ tội... mang tính chính xác và thuyết phục cao.
Cần nghiên cứu thêm
Thực hiện chỉ đạo của VKSND TP HCM về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa hồ sơ, VKSND quận 8 đã thực hiện tại một số phiên tòa hình sự. Theo VKSND quận 8, phiên tòa áp dụng việc số hóa là những phiên tòa đông bị cáo, có nhiều tình tiết phức tạp liên quan đến hành vi phạm tội, nhiều vật chứng hoặc vụ án mà bị cáo có dấu hiệu không nhận tội ngay từ đầu, dấu hiệu phản cung hoặc vụ án được khởi tố từ nguồn chứng cứ điện tử.
Từ những phiên tòa hình sự áp dụng số hóa, VKSND quận 8 cho rằng cần phối hợp với cơ quan công an ngay từ giai đoạn điều tra để trích xuất dữ liệu, biên bản khám nghiệm hiện trường, camera an ninh. Ngoài ra, việc áp dụng phiên tòa số hóa cũng gặp không ít khó khăn như hiện nay chưa có thông tin liên ngành giữa Bộ Công an, TAND Tối cao và VKSND Tối cao nên chưa khai thác tối đa hiệu quả số hóa hồ sơ. CQĐT cũng chưa có quy định về số hóa nên việc số hóa phải thực hiện toàn bộ tại VKSND dẫn đến mất nhiều thời gian của KSV.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự - TAND TP HCM) cho rằng việc công bố chứng cứ, tài liệu, hình ảnh tại phiên tòa phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, không vi phạm những điều khoản khác mà luật đã quy định.
Cụ thể, phải tuân theo các quy định tại các điều 308, 312, 315 của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa, HĐXX và KSV không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố. Cơ quan tố tụng chỉ được công bố lời khai khi lời khai tại tòa mâu thuẫn với giai đoạn điều tra, người được xét hỏi vắng mặt hoặc chết. Ngoài ra, trường hợp cần phải giữ bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, đời tư cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng thì cũng không được công bố.
"Không phải tài liệu nào cũng được công bố, trình chiếu nên tại các phiên tòa, gần như việc công bố các chứng cứ, tài liệu, lời khai ít được thực hiện. Tức là việc khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa còn rất thấp, thậm chí không dùng tới nếu vụ án không có bị cáo phản cung, không có nhiều chứng cứ vật chất như các giấy tờ tài liệu, các file ghi âm, video, hình ảnh…" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết.
Cần đồng bộ hóa
VKSND quận 8 đề xuất việc số hóa hồ sơ trước mắt chỉ áp dụng với những vụ phức tạp, vụ án lớn đến khi có đầy đủ các quy định pháp lý, có sự phối hợp thống nhất giữa các ngành và bảo đảm về điều kiện vật chất, con người thì mới áp dụng số hóa với 100% hồ sơ vụ án hình sự. Ngoài ra, liên ngành tư pháp trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn liên ngành về quy trình số hóa, bảo mật, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, sử dụng tài liệu số hóa, cũng như cung cấp trang thiết bị, phương tiện, tài chính cho việc số hóa, bảo đảm việc số hóa áp dụng đồng bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bình luận (0)