Năm 2006, ông Nguyễn Diệp Trứ (ngụ quận 4, TP HCM) và bà Kiều Bích Nga (ngụ quận 2, TP HCM) ra tòa ly hôn. Trong những tài sản 2 người tranh chấp có nhà đất tại địa chỉ C4/1H Lương Định Của, phường Bình Khánh (trước là phường An Khánh), quận 2. Tài sản thuộc diện giải tỏa, đền bù. Đến nay, cơ quan chức năng chưa thể giải quyết dứt điểm việc phân chia phần đền bù, hỗ trợ.
Án tuyên một đằng, thi hành một kiểu
Trong vụ ly hôn, HĐXX chia đôi tiền đền bù phần cấu trúc và nguồn lợi thu từ căn nhà tại địa chỉ C4/1H Lương Định Của. HĐXX không có cơ sở tuyên bố nền đất do 2 người tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên không phân chia.
Bất ngờ năm 2014, UBND quận 2 ban hành văn bản điều chỉnh tên chủ sử dụng nhà đất trên, từ "bà Kiều Bích Nga và ông Nguyễn Diệp Trứ" thành "bà Kiều Bích Nga". Dựa vào đó, địa phương giao bà Nga toàn bộ tiền bồi thường, hỗ trợ và suất tái định cư. Đại diện UBND quận 2 lý giải rằng bản án ly hôn bác yêu cầu chia một nửa giá trị nền đất của ông Trứ. Vì vậy, UBND quận 2 không bồi thường, hỗ trợ ông Trứ. Đến năm 2016, ông Trứ khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy quyết định hành chính trên. Xử phúc thẩm, TAND TP tuyên bố hủy quyết định điều chỉnh tên chủ sử dụng đối với nhà đất tại số C4/1H Lương Định Của. Tòa án khẳng định chính quyền hiểu sai nội dung bản án ly hôn. Tháng 4-2017, UBND quận 2 điều chỉnh lại tên chủ sở hữu căn nhà theo bản án hành chính. Đến tháng 3-2018, UBND quận 2 mới có văn bản gửi đơn vị, cơ quan trên địa bàn quận về việc tạm ngưng giao dịch đối với căn hộ tái định cư mà bà Nga đứng tên sở hữu. Quyết định trên dường như quá muộn khi bà Nga đã bán căn nhà từ rất lâu trước đó.
Đừng quên "biện pháp khẩn cấp tạm thời"
Theo ông Trương Thế Trọng, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện hành chính, bản án ly hôn bác yêu cầu chia một nửa giá trị nền đất vì chưa đủ cơ sở xác định đó là tài sản chung. Nhưng tòa án không xác định phần nền đất là tài sản riêng do bà Nga tạo lập. Việc UBND quận 2 bồi thường, hỗ trợ một mình bà Nga khiến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trứ bị thiệt hại.
Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bình Chánh, cho rằng cùng với yêu cầu tòa án hủy quyết định hành chính, ông Trứ cần đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại ông gánh chịu do quyết định hành chính, hành vi hành chính đó gây ra. Ở đây, quyết định điều chỉnh tên chủ sở hữu trên giấy tờ nhà đất dẫn đến việc bồi thường chưa chính xác xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của ông. "Do người dân không yêu cầu người bị kiện bồi thường thiệt hại nên tòa án không thể đưa vấn đề này ra xét xử. Quan trọng hơn, nếu ông Trứ yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với căn hộ tái định cư khi khởi kiện thì có lẽ cả ông lẫn chính quyền không ở trong hoàn cảnh bế tắc như bây giờ" - luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý nhấn mạnh.
Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu đương sự yêu cầu.
Bình luận (0)