Cha mẹ ông N.T.H (ngụ TP HCM) sinh 10 người con. Khi lìa đời, mẹ ông H. không để lại di chúc. Vì thế, chồng và các con có quyền hưởng phần tài sản bà sở hữu lúc sinh thời. Năm 2009, người cha và 8 anh chị em khác thống nhất tặng lại phần thừa kế trên cho một người em của ông H. Không hài lòng với quyết định này, ông H. không chịu phối hợp làm thủ tục kê khai di sản thừa kế. Kể từ đó, gia đình xào xáo. Ngày giỗ mẹ, mạnh ai nấy làm.
Gánh việc cùng tòa án
Việc chia tài sản thừa kế gần như bế tắc. Chẳng đặng đừng, em ông H. nhờ tòa án phân giải. Cơ quan xét xử chuyển vụ việc qua Trung tâm Hòa giải, đối thoại (gọi tắt trung tâm) tại TAND TP HCM. Sau khi tiếp nhận, hòa giải viên sắp xếp nói chuyện riêng với từng người. Các hòa giải viên cắt nghĩa, phân tích căn cứ pháp luật, lợi ích hòa giải thay vì theo kiện. Đến tháng 3-2019, ông H. đồng ý đàm phán, hàn gắn tình cảm anh em. Đương sự, đặc biệt là hòa giải viên và cơ quan xét xử như trút được gánh nặng.
Tại TP HCM, đây là vụ việc hòa giải, đối thoại thành công được nhắc đến nhiều nhất. Theo Phó Chánh án TAND TP HCM Lê Thanh Phong, TP bắt đầu triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án 2 cấp từ tháng 11-2018. Theo đó, TP HCM ra mắt Trung tâm tại TAND TP và tòa án 9 quận, huyện (TAND huyện Bình Chánh, Củ Chi; quận 1, 2, 9, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh). "Trong thời gian thí điểm, 2 cấp tòa án chuyển 10 trung tâm 4.869 vụ việc, có 3.660 vụ đủ điều kiện giải quyết. Tổng số vụ việc đã giải quyết là 2.860 vụ. Trong đó, 2.219 vụ (đạt tỉ lệ hơn 77%) hòa giải, đối thoại thành công" - ông Lê Thanh Phong cho biết.
Nhân viên làm việc ở Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP HCM đều trẻ tuổi, năng động
Ông Phan Ngọc Minh, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP, đánh giá thời gian qua, 10 trung tâm tại tòa án góp phần không nhỏ trong việc giúp những người tiến hành tố tụng giảm bớt áp lực. Đồng thời, cách làm việc nhiệt tình, trách nhiệm từ đội ngũ hòa giải viên giúp hóa giải nhiều mâu thuẫn, tranh chấp một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.
Mở rộng hình thức tiếp xúc với đương sự
Song song với kết quả đáng trân trọng trên, hoạt động hòa giải, đối thoại tại 10 trung tâm vẫn xuất hiện không ít hạn chế.
Chế độ đối với hòa giải, đối thoại viên, tổ giúp việc tại trung tâm là vấn đề ông Phan Ngọc Minh trăn trở. Ông Minh ghi nhận ở nhiều trung tâm, cán bộ, nhân viên chưa nhận lương dù làm việc từ tháng 11-2018. Điển hình, có trung tâm tại TAND huyện Củ Chi - đơn vị có nhiều thành công nhất với gần 400 vụ việc hòa giải, đối thoại thành (trung tâm tiếp nhận khoảng 540 hồ sơ hợp lệ) nhưng cán bộ, nhân viên chưa hề nhận lương trong suốt giai đoạn hoạt động thí điểm.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp, tổ chức tiếp xúc với đương sự trở thành vấn đề nan giải đối với không ít trung tâm. Đại diện trung tâm tại TAND quận 2 cho hay rất nhiều người dân trên địa bàn di dời nơi ở do giải phóng mặt bằng, họ ít khi có địa chỉ cụ thể. Trong khi thư mời, giấy tờ liên quan đến vụ việc tranh chấp cần giải quyết chủ yếu gửi qua bưu điện. Tình trạng này ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình hòa giải, đối thoại. Đại diện trung tâm tại TAND quận 2 cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung quy chế cho phép trung tâm tại quận, huyện liên hệ với đương sự bằng điện thoại. Đây cũng là giải pháp tinh giản thủ tục hành chính.
Tích cực quảng bá
Theo thẩm phán cao cấp Bùi Ngọc Hòa (thành viên Ban Chỉ đạo trung ương Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại), không riêng TP HCM, cả nước còn không ít vụ án kéo dài nhiều năm, khiến lượng án thụ lý hằng năm tiếp tục tồn đọng. Trong khi biên chế thẩm phán, thư ký tòa án chưa đáp ứng tình hình.
Thẩm phán cao cấp Bùi Ngọc Hòa nhấn mạnh công tác tuyên truyền về hòa giải, đối thoại cần sâu rộng hơn. Các địa phương cần tích cực quảng bá, giúp người dân biết đến và có cơ hội tiếp cận với trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án. Thành tích các trung tâm thu về là cơ sở để TAND Tối cao trình Quốc hội Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Bình luận (0)