Đứng ở bục xét hỏi, bị cáo Nguyễn Ngọc Hà (47 tuổi; quê Vĩnh Long) trả lời HĐXX bằng giọng nói vang, khỏe, vẻ mặt bình thản đến lạ. Khó có thể hình dung người phụ nữ này bị đưa ra xét xử về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" với khung hình phạt lên đến tù chung thân hoặc tử hình.
Đi vào vết xe đổ
Theo cáo trạng của VKSND TP HCM, khoảng tháng 11-2021, Hà gặp Nguyệt (không rõ lai lịch) tại một quán cà phê gần cầu Him Lam (huyện Bình Chánh, TP HCM). Nghe Nguyệt nói là "mối sỉ ma túy đá", Hà chủ động xin số điện thoại vì biết khu vực Bến xe quận 8 có nhiều người nghiện ma túy, định mua "hàng" về bán kiếm lời. Từ khoảng tháng 12-2021 đến khi bị bắt (ngày 18-1-2022), Hà đã mua ma túy đá của Nguyệt 6 lần. 5 lần trước, Hà mua 67 triệu đồng tiền ma túy, bán lại lãi 1 triệu đồng. Thấy số tiền lãi ít, lần thứ 6 Hà mua 300 g ma túy của Nguyệt về trộn với gói ma túy kém chất lượng (mua của người khác không rõ lai lịch). Đến tối, Hà chạy xe máy đi giao thì bị Công an huyện Bình Chánh bắt quả tang. Công an khám xét phòng trọ của Hà thu giữ thêm 14,5 g ma túy.
Tòa hỏi bị cáo có nghiện ma túy không, làm sao bị cáo biết loại ma túy nào chất lượng hơn? Hà khăng khăng không nghiện nhưng biết phân biệt chất lượng nhờ... tiếp xúc nhiều với ma túy.
Những người dự khán ngỡ ngàng khi biết Hà đã có 1 tiền án về tội "Mua bán trái phép chất ma túy", vừa chấp hành xong bản án 9 năm 6 tháng tù của TAND huyện Bình Chánh.
Đại diện VKSND nói 9 năm 6 tháng là khoảng thời gian rất dài so với một đời người nhưng bị cáo vẫn chưa thể cải tạo, sửa chữa được hành vi sai trái của mình. Nghe vậy, khuôn mặt Hà cũng không biểu lộ cảm xúc gì.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Hà tại phiên xét xử
Trả giá
Với người từng đứng ở bục khai báo, Hà chắc phải biết việc thành khẩn khai báo sẽ giúp HĐXX có cái nhìn toàn diện để vận dụng các quy định pháp luật xem xét giảm hình phạt. Thế nhưng, Hà hoàn toàn dửng dưng, chỉ trả lời cho có.
Khi tưởng chừng Hà chẳng còn tha thiết gì để được giảm nhẹ hình phạt thì diễn biến tâm lý của bị cáo đột ngột đổi khác. Phiên xử đang diễn ra, bên ngoài phòng xử án vang tiếng nói của một phụ nữ đang hỏi thăm cảnh sát tư pháp về nơi xét xử Nguyễn Ngọc Hà. Người phụ nữ đó là em ruột của bị cáo. Chị lấp ló ở cửa phòng xử án rồi rụt rè xin vào bên trong ngồi.
Bị cáo chăm chú dõi theo từng cử chỉ của người thân duy nhất vừa xuất hiện đến mức chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở. Hóa ra bị cáo có gia đình, có một con trai 29 tuổi, mẹ già 72 tuổi và 2 chị, em gái.
Tòa hỏi vì sao bị cáo phạm tội? Lúc này, Hà mới bắt đầu nói nhiều hơn về bản thân và lỗi lầm của mình. Bị cáo kể sau khi ra tù cũng là lúc tổ ấm nhỏ của bị cáo tan vỡ, vợ chồng ly hôn, người con duy nhất không sống với mẹ. Bị cáo bám víu ở lại TP HCM tìm kế sinh nhai. Nhưng ở độ tuổi không còn trẻ lại mù chữ, bị cáo không thể tìm được công việc ổn định. Đang chật vật mưu sinh, bị cáo phát hiện cơ thể không còn khỏe mạnh.
"Bị cáo bệnh trong người, không có tiền chạy chữa nên làm liều" - Hà nói. Đây cũng là câu nói bị cáo nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhất trong phiên tòa. Chủ tọa hỏi bị cáo bị bệnh gì, có giấy tờ chứng minh không? Hà thưa bị hở van tim, suyễn và cao huyết áp, có giấy tờ của bệnh viện nhưng khi dọn nhà đã làm mất.
Hà vừa dứt lời, vị hội thẩm nhân dân lên tiếng rằng dù bị cáo có bệnh thật hay nại lý do bệnh tật để biện minh thì việc "gieo rắc cái chết trắng" cho xã hội là điều khó chấp nhận.
Đại diện VKSND hỏi: "Vậy vì sao bị cáo không về quê, nơi đó có gia đình có thể chăm sóc cho bị cáo trong lúc bệnh tật? Về quê, bị cáo cũng có thể tìm được công việc để sống đàng hoàng? Lần này, số lượng ma túy bị cáo bị bắt quả tang là rất lớn. Hành vi phạm tội của bị cáo là mầm mống, nguồn gốc phát sinh các loại tội phạm khác. Xét tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm… Lỗi lầm này bị cáo sẽ sửa chữa thế nào?". Trước những câu hỏi xoáy sâu vào tâm can, Hà cúi đầu không trả lời.
Đến khi đại diện VKSND đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân, Hà líu ríu xin cho bị cáo thêm một cơ hội được sửa chữa sai lầm. Tiếc là, sự hối hận không cứu vãn được Hà bởi chính bị cáo đã bỏ phí, không trân trọng cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, cơ hội trở về, báo hiếu cho mẹ sau đằng đẵng năm tháng bạc đầu lo lắng, chờ con.
Bình luận (0)