Táo tợn trên đường phố
Công an TP Thái Nguyên vừa bắt giữ 2 thanh niên liên quan đến vụ cướp giật tài sản của một phụ nữ đi đường. Một trong 2 đối tượng bị bắt đang là học sinh lớp 12. Trước đó, một phụ nữ điều khiển xe máy trên đường vừa nghe điện thoại di động, bất ngờ có 2 thanh niên đi xe máy cùng chiều áp sát giật chiếc điện thoại của chị rồi tăng ga bỏ chạy. Qua truy xét, Công an TP Thái Nguyên đã bắt 2 kẻ gây án là Nguyễn Thanh Hiền (SN 1990), sinh viên một trường cao đẳng ở Thái Nguyên và Nguyễn Hoàng Minh (SN 1993), học sinh lớp 12. Cả hai đều trú tại TP Thái Nguyên.
Trước đó, khoảng 7 giờ ngày 27-2, Công an huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã bắt 8 học sinh lớp 10 của một trường THPT về hành vi cướp tài sản của người đi đường. Khoảng 2 giờ cùng ngày, 4 người đang đi xe máy xuống TP Tam Kỳ mua cá về bán thì bị nhóm học sinh trên chặn đường cướp hơn 2,5 triệu đồng và một điện thoại di động. Bước đầu, các đối tượng khai nhận sau khi cướp đã chia mỗi người 300.000 đồng, số tiền còn lại cả nhóm uống cà phê, ăn bánh mì. Mở rộng điều tra, cơ quan công an phát hiện một số đối tượng trong nhóm này đã từng tham gia một số vụ cướp khác trước đó.
Ngày 15-2, Công an TP Kon Tum, tỉnh Gia Lai mật phục, tóm gọn 3 học sinh lớp 11 (đều ở tuổi 17) dùng súng giả khống chế cướp tài sản của nhiều học sinh. Bước đầu, cả nhóm khai nhận đã gây ra 13 vụ cướp, trấn lột những học sinh cùng trang lứa. Chờ lúc tan trường, khi học sinh trở về nhà bằng xe đạp hoặc đi bộ một mình, chúng dùng mô tô chặn lại, rút dao khống chế cướp tài sản. Trong đó, có một buổi chiều băng này liên tiếp gây ra 3 vụ cướp. Sau khi cướp được tài sản, cả bọn bán và chia nhau tiền để tiêu xài.
Phụ huynh bàng hoàng
Trên đây là 3 vụ mới nhất trong rất nhiều vụ cướp tương tự do học sinh thực hiện, trong đó có không ít vụ được tòa án đưa ra xét xử. Đa số phụ huynh khi được cơ quan công an thông báo về việc con họ bị bắt giữ do hành vi cướp, cướp giật tài sản đều tỏ ra bàng hoàng. Họ không thể ngờ con mình lại có thể gây ra những chuyện tày đình như thế bởi chúng được chăm sóc đầy đủ, được đến trường và cuộc sống vật chất có thể nói không đến nỗi thiếu thốn.
Có một điểm chung, do không có thời gian đưa đón đi học thêm chỗ này, chỗ kia, phụ huynh giao xe máy cho con với lòng tin chúng sẽ đến lớp. Tuy nhiên, khi đã ra khỏi tầm quan sát của cha mẹ, những đứa con “ngoan, hiền” đang tuổi lớn với nhiều nhu cầu tiêu xài cũng như mong muốn được thể hiện mình đã mặc sức vi vu khắp nơi, dùng chính xe của cha mẹ làm phương tiện gây án. Đáng nói là chúng qua mặt cha mẹ không chỉ một mà có khi hàng chục lần nhưng gia đình vẫn không hề hay biết.
Theo ý kiến của một số luật sư từng tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội chưa thành niên, sở dĩ xảy ra tình trạng một bộ phận học sinh phạm pháp, sa vào tệ nạn xã hội là do các bậc phụ huynh vì mải mê kiếm sống đã bỏ rơi con cái ngay trong ngôi nhà của chính mình. Ở trường, thầy cô chỉ lo truyền dạy kiến thức, không có thời gian tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh, tâm tư, những biểu hiện tâm lý bất thường của học sinh, ít chú trọng việc dạy làm người, bản lĩnh đạo đức, kỹ năng sống... cho các em. Bị gia đình, nhà trường “bỏ rơi” trong khi xã hội còn nhiều cạm bẫy và những nhu cầu cá nhân không dễ được đáp ứng… đã tác động đến một bộ phận giới trẻ, khiến họ sinh ra những suy nghĩ và hành động tiêu cực dẫn đến vi phạm pháp luật.
Giải pháp cho vấn đề này, theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Đoàn Luật sư TPHCM, nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia; giáo dục đạo đức, lối sống, đa dạng hóa các hình thức giáo dục pháp luật; đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường với gia đình và chính quyền địa phương… Về phía phụ huynh, cần dành thời gian để mắt đến con em mình nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ các em sa đà vào các tiêu cực ngoài xã hội. Đừng để khi các em đã phạm tội rồi mới khóc lóc, chạy ngược chạy xuôi lo lắng bởi lúc đó cũng đã quá muộn.
Mức phạt tù với người chưa thành niên phạm tội Theo điều 74 Bộ Luật Hình sự, người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. 2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định. |
Bình luận (0)