xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hội thẩm nhân dân: Không thể “ngồi cho có”

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Có quyền bỏ phiếu liên quan đến bản án nhưng nhiều hội thẩm nhân dân không hỏi được bị cáo, đương sự, người bị hại câu nào, bị phụ thuộc vào ý kiến của thẩm phán

Phiên họp thứ 12 Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây bàn thảo về thực trạng vai trò, nhiệm vụ, quyền lợi của hội thẩm nhân dân (HTND) trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm ở Việt Nam hiện nay. Qua đó cho thấy sau một thời gian áp dụng, chế định HTND đã bộc lộ nhiều bất cập.

Vai trò rất quan trọng

Điều kiện để trở thành HTND: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực; có kiến thức pháp lý; có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bản thân chế định HTND là sự thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc”, bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của tòa án. Hội thẩm bằng sự tham gia của mình vào hội đồng xét xử (HĐXX) mà thực hiện quyền lực tư pháp, đồng thời thông qua đó để nhân dân tham gia một cách có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước nói chung, hoạt động của tòa án nói riêng.

Một hội đồng xét xử gồm 3 hội thẩm nhân dân và 2 thẩm phán. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: PHẠM DŨNG
Một hội đồng xét xử gồm 3 hội thẩm nhân dân và 2 thẩm phán. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: PHẠM DŨNG

Luật Tổ chức TAND tại điều 5 quy định: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nghĩa là khi tham gia xét xử một vụ án cụ thể, HTND phải nghiên cứu và nắm vững hồ sơ, thu thập thông tin và quá trình diễn biến tại phiên tòa, độc lập suy xét, chí công vô tư, không vị nể hoặc vì áp lực của bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào.

Về nguyên tắc xét xử, điều 6 Luật Tổ chức TAND năm 2002 quy định:  “Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số…”. Pháp luật tố tụng quy định thành phần HĐXX sơ thẩm gồm: 1 thẩm phán và 2 hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, HĐXX có thể gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm.

Như vậy, hội thẩm có địa vị pháp lý và vai trò rất quan trọng trong công tác xét xử bởi chiếm đa số thành viên trong HĐXX và ngang quyền với thẩm phán khi ra các phán quyết về vụ án. Khi xét xử, nếu ý kiến biểu quyết của các hội thẩm giống nhau nhưng khác ý kiến của thẩm phán thì quyết định của HĐXX phải theo ý kiến của các hội thẩm (đa số). Thẩm phán chỉ có quyền bảo lưu ý kiến và đề nghị tòa án cấp trên xem xét.

Hữu danh vô thực

Tuy nhiên, thực tiễn công tác của các tòa án cho thấy vai trò của HTND khá mờ nhạt. Theo quy định của pháp luật, người được bầu làm hội thẩm chỉ cần có kiến thức pháp luật mà không quy định một tiêu chuẩn tối thiểu. Vì vậy, không ít HTND kiến thức pháp luật hạn chế nhưng lại cùng tham gia xét xử với những thẩm phán có trình độ cử nhân luật, được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật và kỹ năng xét xử nên không tránh khỏi việc các hội thẩm mang tâm lý “hữu danh vô thực”, ngồi cho có, không bỏ công nghiên cứu kỹ hồ sơ, xem xét các tình tiết vụ án, bị phụ thuộc vào ý kiến của thẩm phán.

Không thiếu những vị hội thẩm vì yếu kém về kỹ năng xét hỏi, kinh nghiệm sống đã không hỏi được bị cáo, đương sự, người bị hại câu nào, không biết cách đặt câu hỏi để làm sáng tỏ tình tiết vụ án.

Nhiều vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, thành phần xét xử phải có một hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để hiểu rõ tâm lý người chưa thành niên; đồng thời thông qua hoạt động xét xử, giáo dục người chưa thành niên tốt hơn, làm cho mục đích của pháp luật hình sự đạt hiệu quả. Thế nhưng, không ít hội thẩm đã mạt sát bị cáo là người chưa thành niên, lên lớp với các bậc phụ huynh.

Nhiều phiên tòa, trong khi một mình thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét hỏi, trích bút lục, đối chứng lời khai các bên thì 2 vị hội thẩm ngồi bên thờ ơ hoặc ngả lưng vào ghế lim dim và chỉ mạnh dạn… lắc đầu khi chủ tọa hỏi: “Các vị trong HĐXX có hỏi gì thêm...?”.

Cũng có những hội thẩm “sợ” người tham dự phiên tòa cho rằng mình chỉ là “đội hình dự bị” nên đã cố đưa ra nhiều câu hỏi. Tiếc là những câu hỏi kiểu này thường vô thưởng vô phạt hoặc lặp lại câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa, gây mất thời gian và không mang lại hiệu quả…

Cần tập huấn, bồi dưỡng

Để xử lý vấn đề này, cần sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn hội thẩm theo hướng quy định người được bầu hoặc cử làm hội thẩm phải có uy tín, kiến thức, hiểu biết trên các lĩnh vực đời sống xã hội và trình độ pháp lý nhất định (tối  thiểu phải có bằng trung cấp pháp lý hoặc ít nhất phải qua một lớp bồi dưỡng về pháp luật từ 3-6 tháng).

Trong khi chưa sửa đổi được các quy định của pháp luật, các cơ quan có liên quan cần phối hợp tốt hơn với tòa án trong công tác tập huấn, bồi dưỡng cho hội thẩm về các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật mới, kỹ năng xét xử...

HĐND và Ủy ban MTTQ cùng cấp cần xây dựng quy chế phối hợp và thực hiện tốt hơn việc quản lý, giám sát đối với hội thẩm từ việc thực thi nhiệm vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức đến việc tạo điều kiện thuận lợi để họ được bố trí thời gian hợp lý tham gia công tác tại tòa án cũng như bảo đảm các biện pháp bảo vệ hội thẩm và gia đình họ trong những trường hợp cần thiết. 

Chế định HTND là cần thiết

Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, cho rằng chế định HTND là cần thiết để bảo đảm tính nhân dân trong hoạt động xét xử của ngành tòa án và tính tập thể của HĐXX.

HTND chỉ tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm, nếu xét xử thiếu công bằng, thậm chí oan sai, thì còn có phúc thẩm, giám đốc thẩm xem xét, không phải cấp sơ thẩm xử sao cũng được. Ngoài ra, nếu nói rằng lực lượng HTND chênh lệch trình độ, kiến thức thì còn có kiểm sát viên, hội đồng phúc thẩm xem xét. Vả lại, thẩm phán phải có trách nhiệm cung cấp những văn bản, tài liệu để HTND nắm chắc hơn về đường lối xử lý. Không áp đặt nhưng cần giải thích một cách thuyết phục nếu có sự khác nhau, chênh nhau về việc áp dụng pháp luật. Tất nhiên, kết quả cuối cùng vẫn phải biểu quyết theo đa số.

H.Duyên

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo