Ngày 30-11, Hội đồng Thẩm phán TAND Cấp cao đã mở phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án xe container tông xe Innova lùi trên cao tốc khiến 4 người tử vong do có kháng nghị của cohánh án TAND Cấp cao.
Hiện trường vụ tai nạn
Kết quả xét xử, Hội đồng Thẩm phán TAND Cấp cao đã chấp nhận kháng nghị, hủy các bản án và quyết định của TAND tỉnh Thái Nguyên đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Sáng 30-11, trao đổi qua điện thoại với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội sau khi xem xét giám đốc thẩm đã quyết định hủy cả 2 bán án của TAND Thái Nguyên, liên quan đến vụ lùi xe Innova trên cao tốc khiến 4 người tử vong. Vị lãnh đạo này cho hay hiện cơ quan này đang khẩn trương hoàn tất bản án, trong đó nêu rõ các căn cứ để hủy 2 bản án.
Với quyết định này, theo vị lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội, vụ án sẽ được trả lại cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, TAND tỉnh Thái Nguyên xử phúc thẩm ngày 2-11 vừa qua đã quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi) từ 10 năm tù xuống còn 9 năm tù; bị cáo Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi) từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Theo hồ sơ, sáng 19-11-2016, Ngô Văn Sơn lái xe Toyota Innova 8 chỗ chở 10 người chạy trên tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Do xe vượt quá lối ra khỏi cao tốc tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên), Sơn đã cho ôtô đi lùi, sát hàng rào bên phải.
Cùng lúc, tài xế Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc đi thuận chiều trên cao tốc, tốc độ 60 - 65 km/giờ. Đến gần nút giao, thấy chiếc xe Innova phía trước, cách khoảng 70 m đang bật đèn phanh đỏ, tài xế Hoàng không phanh giảm tốc mà quan sát gương chiếu hậu. Do phía sau có ôtô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn rồi tông vào đuôi chiếc xe Innova khiến 4 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương.
Bản án phúc thẩm đã gây xôn xao dư luận, nhiều người tỏ ra bức xúc về bản án dành cho tài xế Hoàng. Sau đó, TAND Tối cao đã rút hồ sơ để xem xét lại bản án.
Ngày 21-11, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ký kháng nghị giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm và sơ thẩm bản án vụ án nêu trên.
Theo đó, kháng nghị cho rằng tòa án cấp phúc thẩm đã xác định lỗi vi phạm của Lê Ngọc Hoàng là do không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật trên đường và không bảo đảm khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, để có đầy đủ căn cứ pháp lý cũng như khoa học nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan về hành vi vi phạm của tài xế Hoàng thì cần phải làm rõ thêm nhiều vấn đề.
Trong đó, cần làm rõ điểm va chạm đầu tiên của xe đầu kéo và xe Innova trên sơ đồ hiện trường, đây là căn cứ quan trọng để xác định khoảng cách giữa hai xe khi va chạm và khoảng cách khi tài xế Hoàng nhấn phanh nhằm xác định mức độ lỗi của các bên. Ngoài ra, phải làm rõ thời điểm xe đầu kéo mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường, nguyên nhân mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình là gì.
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an thì thời gian mất tín hiệu là 52 giây, giả sử thời điểm mất tín hiệu là thời điểm xe đầu kéo và xe Innova đâm va thì theo phân tích khoa học, khoảng thời gian mất dữ liệu thì tốc độ xe đầu kéo là bao nhiêu?
Bình luận (0)