Trong phần xét hỏi, Huyền Như không ít lần lặp đi lặp câu: “Bị cáo chỉ muốn trả hết nợ những nơi cho vay lãi cao nên mới huy động vốn nhiều cá nhân, đơn vị nhằm lấy lãi suất thấp để trả lãi suất cao, mượn nợ người sau để trả cho người trước. Bị cáo nghĩ là sẽ kiếm một cái gì đó kinh doanh kiếm lời rồi sẽ trả hết…”.
Lấy lãi thấp trả lãi cao
Cũng với ý nghĩ ấy, Huyền Như đã thông qua Trần Hoàng Trung (một nhân viên chứng khoán), gặp gỡ và đàm phán với Phạm Anh Tuấn (SN 1977, ngụ quận 3, Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương) để huy động tiền về VietinBank chi nhánh TP HCM.
“Bị cáo huy động vốn dưới hình thức ủy thác vốn đầu tư. Bị cáo thỏa thuận với anh Tuấn ngoài lãi suất theo hợp đồng là 10,49%/năm thì còn có thêm lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng trả cho Công ty Thái Bình Dương là 1%/năm. Ngoài ra, khoản ngoài hợp đồng là khoản phải trả bằng tiền mặt được tính 0,04%/ngày nhân với số tiền huy động nhân số ngày. Khoản tiền huy động của Thái Bình Dương sẽ được trả thành 2 khoản. Một khoản trả bằng tài khoản và một khoản trả bằng tiền mặt do nhóm giúp việc của bị cáo gồm chị Hạnh, anh Thái giao cho anh Tuấn theo chỉ đạo của bị cáo”- Như khai.
Như cho biết, thấy nguồn vốn dồi dào, Như đã giới thiệu cho Võ Anh Tuấn (SN 1972, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên cán bộ Văn phòng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh TP HCM) để huy động vốn thật cho chi nhánh VietinBank Nhà Bè.
Khi chủ tọa hỏi bị cáo Tuấn có giúp sức cho Như để tạo niềm tin với công ty Thái Bình Dương, Như khẳng định: “Bị cáo không nhờ anh Tuấn giúp sức. Lúc đó, VietinBank chi nhánh Nhà Bè đang thiếu chỉ tiêu, nghĩ anh Tuấn là sếp cũ của bị cáo nên bị cáo mới giới thiệu để chi nhánh Nhà Bè tiếp cận nguồn vốn, huy động vốn thật”.
Theo Như khai, vì tin tưởng Như, Tuấn đã kí sẵn các bản hợp đồng cũng như giấy xác nhận đã nhận tiền. Tuy nhiên, sau khi được thông báo thêm về số tiền chênh lệch phải trả thêm ngoài hợp đồng, Tuấn đã từ chối không huy động vốn nữa vì không có khả năng.
Mặc dù vậy, Như lại không trả lại các hợp đồng Tuấn đã kí mà sử dụng để ghép vào hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do Như làm giả nhằm huy động số tiền 1.493 tỉ.
Đến nay, Như đã tất toán 14 hợp đồng với tổng số tiền hơn 1.472 tỉ (trong đó số tiền lãi là hơn 58 tỉ). Còn 1 hợp đồng ủy thác vốn đầu tư với số tiền 80 tỉ chưa tất toán, kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 14%/năm, lãi suất thưởng 4%, tổng lãi suất 18%/năm.
Sử dụng con dấu, chữ kí giả
Nhằm thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người làm giả 8 con dấu đứng tên Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè cùng các công ty như: Phúc Vinh, Trịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm Toàn cầu, Saigonbank-Berjaya. Song song đó, Huyền Như còn làm giả tài liệu ngân hàng và nhiều đơn vị. Đặc biệt, Như còn có “biệt tài” giả chữ ki trên các chứng từ, hợp đồng…
Khoảng tháng 5-2011, Như được giới thiệu với chị Nguyễn Thị Nga (nhân viên Ngân hàng TMCP Hàng Hải) và biết có một số công ty ở Hà Nội đang có nguồn tiền muốn gởi và muốn gặp mặt trực tiếp để đàm phán. Như trao đổi lại với Võ Anh Tuấn, rủ ra Hà Nội gặp đại diện các công ty và được đồng ý.
“Trong quá trình thực hiện, bị cáo có chỗ nào che giấu sự thật không?” – chủ tọa chất vấn. “Khi đến văn phòng đại diện của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, người ta (gồm Nga, Nguyễn Thị Vi Anh, Bùi Thu Hải, Đặng Trần Kiên – nhân viên ngân hàng TMCP Hàng Hải, cũng là cộng tác viên của 3 công ty này) gọi bị cáo là Quyên và bị cáo cũng không sửa. Nếu bị cáo sửa tên thì không hay lắm vì làm ở chi nhánh TP HCM mà lại đi huy động tiền cho chi nhánh Nhà Bè. Bị cáo có giới thiệu anh Tuấn là Phó giám đốc chi nhánh Nhà Bè, không giới thiệu chức danh của mình. Anh Tuấn cũng không đính chính tên cho bị cáo”, Như khai rõ ràng.
Như còn khai nhận thêm, sau khi biết nguồn vốn có liên quan với Ngân hàng TMCP Hàng Hải, Tuấn đã nói lại với Như là không nên huy động. Tuy nhiên, Như không nói lại điều này với các đối tượng trên mà chủ động điện thoại liên hệ với Nga. Như đề nghị cung cấp danh sách các công ty có vốn cần gởi để huy động và thỏa thuận về số tiền gởi, lãi suất từ 18-22%/năm tùy theo số lượng tiền và thời hạn gởi.
Khi đã có 3 bộ hồ sơ mở tài khoản, Như lấy mẫu dấu của 3 công ty để khắc 3 con dấu giả. Sau đó, Như làm giả hồ sơ, mở tài khoản, kí giả chữ ký của các giám đốc với mục đích để khi kí giả lệnh chi, lệnh chuyển của các công ty này không bị VietinBank phát hiện.
Phiên tòa vẫn tiếp tục với phần xét hỏi
Bình luận (0)