Đó là diễn biến vụ việc xảy ra với ông Bùi Nguyên Tùng (SN 1977; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) từ năm 2014. Được trả tự do sau 14 tháng 17 ngày bị tạm giam, ông Tùng gửi đơn thư tố cáo, khiếu nại khắp nơi. Ông Tùng nói ông và gia đình không đồng tình với cách cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.
Tòa trả hồ sơ
Chiều 4-2-2014, Công an quận Gò Vấp phát hiện ông Bùi Nguyên Tùng vận chuyển 3 chai rượu ngoại không có hóa đơn, chứng từ. Lập tức, công an lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.
Cùng ngày, công an khám nhà ông Tùng và thu giữ 3 chai rượu ngoại, nửa lít rượu màu, 1 mô-tơ đóng nút chai, 1 phễu, 70 vỏ hộp, nắp, nút chai rượu ngoại các loại. Kết quả giám định kết luận số rượu trên là rượu giả. Ngày 11-3-2014, Cơ quan CSĐT - Công an quận Gò Vấp khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Tùng về tội "Sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh". Sau đó, VKSND quận Gò Vấp phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với ông Tùng.
Tại cơ quan điều tra, ông Tùng khai rượu do ông mua trên mạng để bán lại. Ông không biết đó là rượu giả. Những dụng cụ trong nhà là đồ còn lại từ vụ án trước (năm 2011, TAND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương phạt ông Tùng 27 tháng tù về hành vi làm rượu giả - PV). Đồng thời, ông Nguyễn Duy Lân (ngụ Hà Nội) khai ông Tùng rủ ông vào TP HCM để phụ sản xuất rượu giả. Mỗi khi làm, ông Tùng làm ở dưới bếp hoặc trên gác, không cho ông tham gia và bảo ông đi chỗ khác. Ngoài ra, ông Phạm Văn Huỳnh (ngụ TP HCM) khai rằng ông thu gom vỏ hộp và chai rượu giả cho ông Tùng.
Sau 3 lần xét xử, TAND quận Gò Vấp trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Cơ quan xét xử nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Sau một thời gian không tìm thêm chứng cứ củng cố cáo buộc, tháng 3-2016, Công an quận Gò Vấp đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Tùng theo điều 19, Bộ Luật Hình sự (tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội).
Ông Bùi Nguyên Tùng vẫn đang gửi đơn khiếu nại, tố cáo công an và VKSND quận Gò Vấp, TP HCM
Tạm giữ người gấp đôi thời gian luật định
Do vụ án được đình chỉ điều tra nên cơ quan chức năng trả tự do cho ông Tùng sau 14 tháng 17 ngày tạm giữ. Cho rằng mình bị oan, ông gửi đơn thư khiếu nại nhiều nơi. "Thực sự, tôi tính giữ lại dụng cụ làm tiếp rượu giả nhưng tôi đã không làm vì lo sợ bị bắt. Ông Lân và ông Huỳnh cũng không hề khai tận mắt thấy tôi làm rượu giả tại nhà. Cơ quan chức năng không thể viện cớ tôi từng lãnh án vì làm rượu giả mà quy kết tội như thế" - ông Tùng lập luận.
Bên cạnh đó, ông Tùng khẳng định mãi đến ngày 8-10-2018, ông mới nhận bản photocopy quyết định giải quyết khiếu nại từ VKSND TP. Kỳ lạ là quyết định này đề thời điểm ban hành là ngày 13-4-2016. VKSND TP bác đơn khiếu nại ông Tùng gửi trước đó. Theo VKSND TP, ông Tùng có ý định sản xuất rượu giả và chuẩn bị công cụ, tìm người nhưng do ông Tùng sợ bị bắt nên ngưng ý định. VKSND TP nhận thấy công an và VKSND quận Gò Vấp thực hiện đúng quy định pháp luật khi đình chỉ điều tra bị can, kiểm sát án đình chỉ.
Trái lại, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM) đặt vấn đề cơ quan chức năng quá vội vàng khi quyết định khởi tố vụ án. Luật sư nhận xét vụ án xảy ra năm 2014. Do đó, cơ quan chức năng áp dụng Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 trong quá trình giải quyết.
Luật sư phân tích: "Ông Bùi Nguyên Tùng đang trên đường thực hiện hành vi buôn bán rượu thì bị bắt. Ngay thời điểm bắt quả tang, công an vẫn chưa có kết luận 3 chai rượu có phải là hàng giả hay không? Nói cách khác, cơ quan điều tra chưa có căn cứ chứng minh hàng hóa ông Tùng vận chuyển là hàng giả tại thời điểm bắt quả tang. Như vậy, Cơ quan CSĐT - Công an quận Gò Vấp có quá vội vàng khi khởi tố vụ án và bắt tạm giam ông Tùng hay không?".
Luật sư Hà Hải nhấn mạnh pháp luật thời điểm đó quy định thời gian tạm giam tối đa đối với vụ án có tính chất như trên là không quá 8 tháng. Tuy nhiên, ông Tùng bị giam 14 tháng 17 ngày - thời gian quá dài so với luật định. Án tại hồ sơ, cơ quan chức năng không thể bắt người rồi thả sau một thời gian dài không chứng minh được cáo buộc ban đầu.
Tài sản bị tịch thu xử lý thế nào?
Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của ông Tùng có dấu hiệu tội phạm nhưng bị đình chỉ với lý do tự ý chấm dứt hành vi phạm tội. Theo đó, những tài sản bị tịch thu được xem là vật chứng. Nếu muốn hoàn trả, ông Tùng phải chứng minh những tài sản trên không liên quan đến vụ án hoặc ông không có hành vi phạm tội.
Bình luận (0)