Ngày 11-1, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo quản lý voi Việt Nam.
Chết dần chết mòn!
Theo dự án Khẩn cấp bảo tồn voi, Việt Nam chỉ còn khoảng 60 con voi nhà và hơn 100 con voi rừng tập trung ở các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An. Nhận thức rõ nguy cơ đe dọa quần thể voi, Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định và kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn voi.
Theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), nhìn lại quá trình bảo tồn quần thể voi Việt Nam thấy rất rõ chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng mà nguyên nhân quần thể voi tự nhiên suy giảm là do bị săn bắn để lấy ngà nên số lượng voi đực và voi con còn lại rất ít, thậm chí có đàn không còn voi đực trưởng thành. Trước đây, việc bắn voi chỉ để lấy ngà thì trong thời gian gần đây, tất cả sản phẩm từ voi như da, vòi, đế chân, răng, xương, thịt đều có thể thu lợi cho đối tượng săn trộm nên voi cái và voi con cũng bị giết. Vùng sinh cảnh cho đàn voi ngày càng bị thu hẹp, xuống cấp khiến tập tính sinh học của chúng bị rối loạn, ảnh hưởng lớn đến sinh sản phát triển cá thể voi và quần thể. Xung đột người - voi ngày càng gia tăng bởi sự lấn chiếm, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của con người ở những nơi voi sinh sống khiến cho mối quan hệ “voi giết người - người giết voi” gần như không thể giải quyết được và xu thế tất yếu là voi sẽ bị giết.
Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết chỉ tính riêng năm 2016, toàn tỉnh có 4 con voi rừng chết; xung đột voi - người tăng đột biến với 25 vụ; loài voi đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, hàng chục hecta cây trồng.
Oằn mình làm du lịch
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 44 con voi nhà, trong độ tuổi từ 20-40 chỉ còn 25 con. Mặc dù Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã có nhiều biện pháp chăm sóc sức khỏe, giúp voi sinh sản tự nhiên nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, đàn voi nhà còn lại ít nhưng bị nuôi nhốt lâu năm trong điều kiện không có nơi chăn thả, không bảo đảm nguồn thức ăn. Môi trường này đã ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và tập tính của loài voi như bản năng giao phối, tự tìm kiếm các cây thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, voi nhà cũng đang bị khai thác phục vụ du lịch quá mức, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng…
So với các nước như Lào, Thái Lan thì công tác bảo tồn loài voi ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và phải có những cơ chế, chính sách quyết liệt hơn nữa mới mong bảo tồn, phát triển được loài này.
Theo bà Sarah Blaine, Trung tâm Cứu hộ voi Boon Lott (Thái Lan), từ năm 1999, nước này đã cấm khai thác rừng tự nhiên, quy hoạch để bảo tồn voi nên hiện đàn voi rừng đang được sống trong môi trường bảo đảm; còn đàn voi nhà được chăm sóc rất tốt. Trước đây, Thái Lan cũng rất khó khăn trong việc vận động người dân tháo bỏ xiềng xích, yên voi. Tuy nhiên, nhờ sự thay đổi trong nhận thức người dân và dùng những biện pháp mạnh như “cấm vận” chủ voi không cho đưa voi vào trung tâm du lịch nên đã làm được. Để bảo đảm thu nhập của chủ voi, nếu như trước đây khách du lịch được cưỡi lên lưng voi thì hiện nay, Thái Lan triển khai các tour du lịch ngắm voi, tìm hiểu cuộc sống của voi trong môi trường tự nhiên. “Chúng tôi không nhận được nhiều kinh phí từ ngân sách, thay vào đó là vận động các công ty du lịch, các tổ chức đóng góp kinh phí và công tác bảo tồn loài voi vẫn được bảo đảm” - bà Sarah Blaine nhấn mạnh.
Thiếu nhân lực
Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk, đơn vị sẽ có 50 cán bộ, viên chức lao động nhưng hiện chỉ mới được giao 16 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ làm công tác bảo tồn voi chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa được trang bị máy móc chuyên dụng nên gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ.
Bình luận (0)