Ngày 22-7, UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành cưỡng chế một phần khu đất với diện tích khoảng 68 m2 ở số 100 Trần Phú do ông Đặng Đình Lạp quản lý vì cho rằng ông lấn chiếm. Liên quan đến khu đất này là vụ khiếu kiện kéo dài gần 15 năm với nhiều tình tiết trái ngược.
Nhà số 100 Trần Phú, TP Nha Trang bị cưỡng chế sau 15 năm khiếu kiện kéo dài
Một bản chất, 2 bản án
Khu nhà đất tại 100 Trần Phú có nguồn gốc là đất quốc phòng do Trường Huấn luyện Bay kỹ thuật không quân (nay là Trường Sĩ quan Không quân - SQKQ) quản lý từ năm 1975. Năm 1984, ông Đặng Đình Lạp và ông Nguyễn Xuân Điệp (là cán bộ) được nhà trường tạm phân bổ mỗi người 1 căn hộ diện tích 41 m2 tại 100 Trần Phú để ở.
Năm 1998, UBND tỉnh Khánh Hòa và Trường SQKQ đã hợp thức hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho 102 hộ quân nhân. Riêng 2 hộ ông Lạp và ông Điệp không được cấp do lấn chiếm khoảng 150 m2 đất ở mặt đường Trần Phú đã được UBND tỉnh quy hoạch để cấp cho 3 hộ chính sách.
Từ năm 1999-2000, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định thu hồi một phần khu đất số 100 Trần Phú để giao cho một số hộ dân. Ông Lạp, ông Điệp sau đó đã có đơn khởi kiện UBND tỉnh Khánh Hòa.
Đến năm 2008, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên sơ thẩm, tuyên bác đơn của ông Lạp và ông Điệp. Hai ông kháng án. Năm 2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên phúc thẩm chấp nhận đơn của ông Lạp. Tuy nhiên, với trường hợp tương tự của ông Điệp, trong phiên xét xử phúc thẩm vào năm 2011, TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã bác đơn.
Liên quan đến vấn đề trên, trước khi cưỡng chế, UBND TP Nha Trang đã có thông cáo báo chí nêu rõ: Về bản chất, 2 vụ kiện là như nhau nhưng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao lại tuyên xử với 2 kết quả khác nhau.
Trong báo cáo số 1410 ký ngày 18-6-2014, Thanh tra Chính phủ cũng đề cập việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TAND Tối cao làm rõ có 2 quyết định khác nhau về diện tích đất liền kề có tính pháp lý như nhau. Thanh tra Chính phủ đã 2 lần đề nghị TAND Tối cao có ý kiến nhưng vẫn chưa nhận được phúc đáp.
Cũng theo thông cáo này, khi ông Lạp có đơn khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan trung ương, tháng 12-2012, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận: Các nội dung tố cáo (theo đơn tố cáo của ông Lạp - PV) đối với bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là không đúng và không có cơ sở.
Chứng kiến việc cưỡng chế, ông Đặng Đình Lạp cho biết: “Tôi không thể hiểu nổi vì sao tỉnh không thực hiện phán quyết của TAND Tối cao mà cưỡng chế đập nhà tôi, lấy đất của tôi đã ở ổn định suốt 30 năm. Tôi sẽ tiếp tục kêu cứu”.
Đề nghị Thủ tướng giải quyết
Khi ông Lạp có đơn khiếu nại, tố cáo, đầu năm 2013, Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc họp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, TAND Tối cao và UBND tỉnh Khánh Hòa. Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện đầy đủ nội dung bản án năm 2009 của TAND Tối cao, chỉ đạo các cơ quan liên quan làm thủ tục hợp thức quyền sử dụng đất cho gia đình ông Lạp theo hiện trạng mà gia đình này sử dụng từ năm 1984 nhưng UBND tỉnh không thống nhất.
Trong báo cáo số 1410, Thanh tra Chính phủ cho rằng đây là sự việc phức tạp, kéo dài, các ngành đã giải quyết nhiều lần, TAND Tối cao đã có phán quyết, UBND tỉnh Khánh Hòa liên tục có văn bản đề nghị giải quyết. Nhằm bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng chủ trì cuộc họp các bộ - ngành và tỉnh Khánh Hòa để giải quyết.
Bình luận (0)