Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 2-10, Tô Phương Trọng (SN 1994, ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đem đơn đến VKSND tỉnh Cà Mau đòi bồi thường với số tiền hơn 3,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Cà Mau không tiếp nhận đơn, yêu cầu viết lại theo hướng dẫn và nộp vào ngày 8-10.
Theo đó, Trọng bị tạm giam 1.310 ngày và 702 ngày tại ngoại, theo mức lương tối thiểu 52.272 đồng/ngày, tổng số tiền phải bồi thường là 242 triệu đồng (làm tròn số).
Sai sót nghiêm trọng về tố tụng
Hồ sơ vụ án thể hiện chiều 5-11-2008, Trọng dẫn cháu N.N.H (5 tuổi) vào sân Bưu điện xã Tân Đức hái cau. Khi nghe tiếng người lớn gọi, cháu H. chạy ra và được một phụ nữ cùng xóm dẫn về nhà ông Lê Văn Dũng (ông ngoại H.). Nghi H. bị xâm hại, gia đình làm đơn tố cáo Trọng.
Tối cùng ngày, Trọng bị mời đến nhà ông Dũng lập biên bản. Tại đây, Trọng khẳng định không xâm hại bé H., còn bé H. không nói gì. Hôm sau, Trọng bị chuyển lên công an huyện, sau đó bị Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, tạm giam về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Khi bị bắt, Trọng mới hơn 14 tuổi, đang học lớp 7.
Công an tỉnh Cà Mau xác định Trọng bế cháu H. đưa qua hàng rào phía sau bưu điện rồi vòng ra cổng trước vào nhà vệ sinh thực hiện hành vi hiếp dâm. Trước phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Cà Mau có văn bản yêu cầu thực nghiệm lại hiện trường vì nghi ngờ bị cáo không thể bế cháu H. đưa qua hàng rào cao 1,5 m. Tuy nhiên, CQĐT và VKS đã mượn một thanh niên 19 tuổi đóng thế khi thực nghiệm hiện trường. Tháng 6-2010, Trọng bị TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt 6 năm tù.
Xét xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM hủy bản án sơ thẩm với nhận định: “TAND tỉnh Cà Mau lấy biên bản thực nghiệm của một người khác để bác bỏ khiếu nại của bị cáo và người giám hộ là không đủ căn cứ pháp lý. Hơn nữa, khi sự việc xảy ra, cổng bưu điện không khóa, cháu H. nghe gia đình kêu thì ra về mà không có biểu hiện bất thường nào. Hiện trường không ai thấy việc quan hệ của Trọng và cháu H.”. Ngoài ra, cấp phúc thẩm còn chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn trong kết luận giám định như mỗi lần khám cho kết luận khác nhau, quá trình ghi bản cung cũng có nhiều sai sót...
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 30-7-2013, người tố cáo là ông Dũng trình bày nghi H. bị hiếp dâm chứ không nghe cháu nói gì. Mẹ của H. cũng chỉ nghe ông ngoại cháu nói vậy nên đi báo chính quyền. Trong khi đó, kết quả giám định không bảo đảm tính khách quan và không đủ căn cứ chứng minh cháu H. bị hiếp dâm… Vì vậy, TAND tỉnh Cà Mau tuyên Trọng vô tội.
Ngay sau đó, VKSND tỉnh Cà Mau kháng nghị lên cấp phúc thẩm yêu cầu xét xử lại theo hướng Trọng phạm tội. Tuy nhiên, ngày 13-5-2014, TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã bác kháng nghị của VKSND tỉnh Cà Mau, tuyên y án sơ thẩm.
Tin tưởng Trọng bị oan
Thẩm phán Nguyễn Chí Văn, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần 2, cho biết: “Trong vụ án này, gần như toàn bộ bút lục mà VKSND dùng làm cơ sở buộc tội được thu thập chưa đúng theo quy định của pháp luật. Từ đó, HĐXX quyết định bác toàn bộ những bút lục thu thập sai quy trình đó”.
Còn luật sư Tô Văn Chánh (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết khi tiếp xúc hồ sơ vụ án, ông tin chắc Trọng bị oan nên đã tự nguyện bào chữa miễn phí. “Dù Trọng từng khai nhận hành vi phạm tội trước CQĐT nhưng nhiều biên bản cho thấy CQĐT vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đặc biệt, CQĐT đã bỏ qua nhiều chứng cứ gỡ tội” - luật sư Chánh nói.
Luật sư Chánh cũng khẳng định việc ông không tiếp tục hướng dẫn Trọng làm thủ tục yêu cầu bồi thường oan sai là vì lý do cá nhân chứ không hề nghi ngờ sự trong sạch của Trọng. Về số tiền bồi thường oan sai, theo luật sư Chánh, trường hợp của Trọng nên áp dụng mức lao động phổ thông theo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước ngày 19-8-2012.
Bình luận (0)