Ngày 16-9, TAND TPHCM đã đưa ra xét xử vụ án sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Chí Toàn (SN 1984, ngụ quận Tân Bình - TPHCM). Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Toàn 6 năm tù (trước đó, VKSND TPHCM được VKSND Tối cao ủy quyền tại phiên tòa đã đề nghị xử phạt bị cáo từ 8-10 năm tù).
Sử dụng máy tính chiếm đoạt trên 300 triệu đồng
Toàn là nhân viên thuộc Công ty Trans Infotech Việt Nam (Công ty TI). Năm 2007, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) có mua phần mềm quản trị thẻ ATM (gọi tắt là phần mềm TICMS) của Công ty TI và chính thức đưa vào sử dụng nhưng chưa nghiệm thu toàn bộ hợp đồng vì phần mềm vẫn phát sinh các lỗi nghiêm trọng. Tháng 6-2009, Toàn được Công ty TI cử đến Trung tâm thẻ MHB thực hiện nhiệm vụ khắc phục sự cố trong quá trình sử dụng phần mềm TICMS.
Bị cáo Nguyễn Chí Toàn tra tay vào còng. Ảnh: PHẠM DŨNG
Từ tháng 8-2010, Toàn được Công ty TI phân công làm việc thường xuyên tại MHB để bảo trì phần mềm TICMS theo đề nghị của Trung tâm thẻ MHB. Trong quá trình xử lý, Toàn vô tình phát hiện mật khẩu dùng để truy cập vào hệ thống dữ liệu của MHB, có quyền chỉnh sửa thông tin khi truy cập (do không được ngân hàng mã hóa nên Toàn phát hiện được).
Toàn khai: “Khi biết được password, ban đầu tôi chỉ định đùa chơi bằng cách chỉnh sửa một số thông tin để xem nhân viên quản trị mạng MHB cùng làm việc với tôi có phát hiện không nhưng chẳng có ai biết!”.
Đến giữa tháng 1-2011, thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, Toàn dự định về Gia Lai ăn Tết cùng gia đình, cần có tiền để chi tiêu, mua quà cáp. Toàn nảy sinh ý định sử dụng mật mã và kiến thức về công nghệ thông tin của mình để chiếm đoạt tiền của MHB. Đầu tiên, Toàn làm giả CMND mang tên Nguyễn Nan và dùng thẻ đó mở được một thẻ ATM tại MHB mang tên Nguyễn Nan. Tiếp đó, Toàn đột nhập vào cơ sở dữ liệu của MHB, tạo một tài khoản khống mang tên Lê Ngọc Trúc.
Từ tài khoản của khách hàng có tên này (đã lâu không sử dụng), ghi khống vào tài khoản số tiền 250 triệu đồng rồi sửa số thẻ của Lê Ngọc Trúc trùng với số thẻ của Nguyễn Nan. Toàn dùng thẻ ATM mang tên Nguyễn Nan rút tiền ở một số máy ATM trên địa bàn TPHCM. Khi rút khoảng 100 triệu đồng, Toàn ghi khống tiếp vào tài khoản Lê Ngọc Trúc số tiền 450 triệu đồng.
Theo số liệu của MHB, Toàn - dưới tên Nguyễn Nan - đã thực hiện tổng cộng 114 lần rút tiền từ nhiều máy ATM khác nhau, với tổng số tiền là 329.500.000 đồng.
Đến giữa tháng 2-2011, Toàn lại sử dụng CMND giả mang tên Nguyễn Nan, mở tiếp một tài khoản ATM thứ hai tại MHB. Sau khi đột nhập vào cơ sở dữ liệu của MHB, Toàn tạo một tài khoản khống trùng tên của khách hàng Lê Văn Lâm, ghi khống số tiền 1,5 tỉ đồng vào tài khoản này. Tuy nhiên, khi chưa kịp sử dụng thẻ này thì bị mất trộm, Toàn báo cho MHB để khóa thẻ lại thì bị phát hiện.
Vực thẳm của lòng tham
Xuyên suốt từ đầu đến cuối phiên tòa, Toàn luôn tỏ ra thành khẩn, ăn năn và không ít lần bật khóc hối hận. Về động cơ, nguyên nhân, mục đích phạm tội, Toàn cho biết ban đầu chỉ là tính hiếu thắng của tuổi trẻ, “nghịch phá” để thỏa mãn trí tò mò và “thử tài’’ các nhân viên quản lý.
Nhưng rồi, khi có cơ hội, điều kiện khách quan, lòng tham trỗi dậy, Toàn đã không thể thắng nổi bản thân. “Tết đến, tôi muốn có một số tiền để mua quà cáp cho các cháu, mừng tuổi ba mẹ, như là một lời khẳng định với gia đình là tôi đã có công việc, một sự nghiệp tốt ở TPHCM. Ngoài ra, trong thời gian đó, vợ chồng tôi cũng phải chuẩn bị một số tiền để trả nợ cho mẹ vợ tôi. Với sĩ diện, áp lực cuộc sống, cộng với suy nghĩ thiếu chín chắn, bồng bột của tuổi trẻ, tôi đã thực hiện việc chiếm đoạt tiền của MHB” - Toàn khai.
Lần đầu rút tiền dễ dàng, những lần tiếp theo cũng trót lọt, Toàn đã nhanh chóng rơi vào vực thẳm lòng tham của chính mình. Để rồi: “Sau khi chiếm đoạt được số tiền lớn, tôi phải lo cất giấu tiền, cộng với việc hằng ngày làm việc phải đối mặt với các nhân viên ngân hàng đã làm tôi lo lắng và sợ hãi trong một thời gian dài. Nhiều lần tôi muốn khai báo với ngân hàng nhưng tôi đã không đủ can đảm… Tôi rất hối hận khi nghĩ về gia đình, đặc biệt là mẹ và vợ tôi.
Tôi luôn được cha mẹ chiều chuộng từ nhỏ, cho ăn học đầy đủ, đến khi khôn lớn, chưa kịp đền đáp cho cha mẹ thì tôi lại phải khiến cha mẹ lo lắng, đau khổ. Với vợ tôi, chúng tôi chỉ mới cưới nhau tròn một năm, chúng tôi còn rất nhiều dự định, kế hoạch. Tôi chỉ vừa đặt những viên gạch đầu tiên cho gia đình bé nhỏ của mình, vậy mà giờ đây, tôi đã phá tan nó”. Đó là những lời sám hối thật lòng của Toàn trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa. Tiếc là khi Toàn nhận thức ra sai trái thì Toàn và gia đình đã phải trả một cái giá không nhỏ.
Ngân hàng cũng cần rút kinh nghiệm
Trong phần nhận định, HĐXX nhấn mạnh đến sơ hở trong việc bảo mật cơ sở dữ liệu của ngân hàng, nhất là chưa làm tốt công tác đối chiếu vào cuối ngày, cũng là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho Toàn và những người có hành vi tương tự chiếm đoạt tiền. Đây là loại hình tội phạm công nghệ cao mới xuất hiện, vì vậy cần có những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, đặc biệt là các ngân hàng, nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề.
Bình luận (0)