12 luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, trong đó có Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018.
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") bị phạt 9 năm tù về tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước"
So với những điều luật trước, luật này quy định rõ hơn về phạm vi thông tin bí mật nhà nước thuộc từng lĩnh vực cụ thể. Đơn cử, lĩnh vực y tế, dân số có thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số. Tương tự, thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông là chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển báo chí, xuất bản, in, phát hành…
Đồng thời, bí mật nhà nước trong lĩnh vực trên còn có thông tin về thiết kế kỹ thuật, sơ đồ, số liệu về thiết bị của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và hệ thống mạng thông tin dùng riêng phục vụ cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước.
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 nêu rõ thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn, như sau: 30 năm đối với bí mật nhà nước độ tuyệt mật; 20 năm đối với bí mật nhà nước độ tối mật; 10 năm đối với bí mật nhà nước độ mật.
Bên cạnh đó, từ 1-7, bí mật nhà nước sẽ được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước; hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và hết thời gian gia hạn quy định tại luật này. Những tài liệu, thông tin đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế cũng thuộc trường hợp có thể giải mật.
Bình luận (0)