Bị cáo Dương Văn Nuôi sau phiên tòa bị hoãn vào trung tuần tháng 5. Ảnh: Phạm Dũng
Dùng búa đánh vào đầu 7 người
Theo cáo trạng của VKSND TPHCM, do là người cùng quê, năm 2005, anh L.C.T (Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Hướng Sinh, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân-TPHCM) nhận Nuôi vào làm công và ở lại nhà anh T. Tối ngày 25-9-2010, Nuôi cùng anh em anh T. đi uống rượu rất vui vẻ nhưng đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau, Nuôi đã dùng búa tấn công 7 người trong gia đình anh T. và công nhân công ty rồi dùng búa đập đầu để tự tử nhưng bị quần chúng nhân dân và Công an phường Bình Trị Đông B bắt giữ. Các nạn nhân may mắn thoát chết nhưng đều chịu nhiều thương tích ở vùng sọ não.
Lúc mới bị bắt, Nuôi khai vì buồn chán nên muốn tự tử để được chết với mọi người. Tuy nhiên, đến tháng 5-2011, Nuôi không đồng ý ký vào biên bản hỏi cung, nói là bị tâm thần nên không biết đã làm gì, vì vậy cơ quan điều tra đưa Nuôi đi giám định. Theo kết luận của bản giám định pháp y của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía Nam: Trước, trong, sau khi gây án và hiện nay, Nuôi bị bệnh rối loạn nhân cách cảm xúc nhưng đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. VKSND TPHCM truy tố Nuôi về tội giết người thuộc trường hợp giết nhiều người.
Tại cả hai phiên tòa sơ thẩm, Nuôi thừa nhận có đánh người nhưng không nhớ đánh những ai và bằng hung khí gì. “Bị cáo và mọi người trong gia đình anh T. cũng như công nhân trong công ty sống hòa thuận, thương yêu nhau như anh em…” hoặc “Bị cáo không biết đã làm gì”, “Bị cáo không biết vì sao làm vậy”, Nuôi lặp đi lặp lại như vậy trước tòa.
Được mời lên, mẹ Nuôi cho biết Nuôi đã hai lần uống thuốc trừ sâu tự tử, tâm thần không bình thường nhưng vì ở quê nghèo và thiếu hiểu biết nên bà không đưa con đi bệnh viện tâm thần. Trước những việc làm do con gây ra, bà chỉ biết xin lỗi người bị hại, không biết phải làm sao “vì tiền xe vô dự tòa còn phải vay mượn người ta. Nó lớn tuổi rồi, nó ngu thì nó chịu thôi. Tôi giờ già cả, không có tiền”, bà hốt hoảng nói khi nghe những người bị hại đưa ra số tiền bồi thường lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nguy cơ gây án từ người tâm thần
Ngày 7-6-2009, Lê Văn Đoài (27 tuổi) ra xe buýt định đi Hà Nội, thấy ông P.Đ.H (82 tuổi) cũng đi xe buýt, Đoài giật túi để lấy tiền đi xe buýt. Khi ông H. hỏi: “Mày làm gì thế?”, Đoài rút dao, đâm nạn nhân một nhát rồi bỏ chạy nhưng bị người dân bắt được. Giám định tâm thần kết luận Đoài bị tâm thần phân liệt, trước và sau thời gian gây án đều bị hạn chế về nhận thức, hành vi nhưng vẫn đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Mới đây, Đoài bị xử phạt 16 năm tù về tội giết người. Đau xót là, nghe tòa tuyên án, mẹ Đoài nghẹn ngào: “Tôi chỉ mong nó bị phạt nặng để được ở tù lâu. Trong tù người ta lo cho nó. Chẳng biết khi nó về, tôi có còn không để làm nơi nương tựa cho nó”.
Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 22-1-2012, ông L.V.T (SN 1930, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đang nằm ngủ tại nhà thì Lương Quốc Hùng (SN 1984) dùng dao Thái Lan đâm bốn nhát vào vùng bụng. Theo người nhà ông T., trước ngày xảy ra vụ án, Hùng thường sang nhà chơi và hai bác cháu chuyện trò rất vui vẻ, không có biểu hiện gì lạ. Theo kết quả điều tra ban đầu, Hùng có dấu hiệu bệnh tâm thần hoang tưởng.
Vụ án người cha ở tỉnh Vĩnh Long sát hại con ruột mới 4 tháng tuổi xảy ra vào cuối năm 2011 đến hôm nay dư luận vẫn chưa quên. Chỉ vì vợ chồng cãi nhau trong lúc Nguyễn Tường Duy đang ẵm con, giận vợ, Duy đã ném mạnh con xuống nền gạch khiến cháu bé tử vong vì đa chấn thương. Theo vợ của Duy, trước đây, Duy có tiền sử bệnh tâm thần và đã được điều trị. Vài ngày trước khi xảy ra sự việc đau lòng ấy, Duy có biểu hiện tái phát bệnh hay nói bâng quơ nhưng người nhà không đề phòng...
Trách nhiệm hình sự và dân sự Luật sư Trịnh Bá Thân (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết những người mắc bệnh tâm thần nhưng vẫn còn khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trước hành vi phạm tội của mình. Khi người mắc bệnh tâm thần bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên. Dù người mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (theo điều 13 Bộ Luật Hình sự) nhưng nếu người giám hộ không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra. Tài sản dùng để bồi thường thiệt hại là tài sản của người bệnh. Nếu người bệnh không có tài sản hoặc không đủ tài sản thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình (điều 606 Bộ Luật Dân sự). |
Bình luận (0)