TAND TP HCM vừa trả hồ sơ vụ xô xát khiến một người thiệt mạng tại quán nhậu trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP HCM. HĐXX sơ thẩm yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi của những người tham gia đánh nhau.
Hiểu kiểu nào cũng đúng
Theo cáo trạng, nhóm của Trần Minh Quang cãi vã, xô xát với một nhóm khác đang nhậu trong quán. Trong lúc hỗn chiến, Quang dùng dao bấm đâm chết một người. Ngoài Trần Minh Quang bị truy tố tội "Giết người", "Cố ý gây thương tích" còn có 1 người khác bị tội "Cố ý gây thương tích".
Liên quan đến vụ án, 13 đối tượng khác cũng cầm vỏ chai bia ném, đánh nhau. Tuy nhiên, cơ quan điều tra kết luận nơi xảy ra vụ việc là trong khuôn viên quán, không phải nơi công cộng. Do đó, hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành tội "Gây rối trật tự công cộng". Vì cơ quan pháp luật chỉ xử lý hành chính đối với 13 người này nên thẩm phán Phan Công Huấn, chủ tọa phiên tòa, cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội "Gây rối trật tự công cộng".
Tương tự, trong một vụ án khác, N.N.P và 2 người bạn đang uống bia ở một con hẻm trên đường Trần Thủ Độ, quận Tân Phú, TP HCM thì gặp người quen là L.V.H. Nghĩ H. "nhìn đểu" nên nhóm P. cầm chén, ly ném về phía H. Chưa dừng lại, nhóm của P. đuổi theo, tiếp tục ném ghế, ly vào nhà H. Tức giận, H. cầm dao đâm khiến P. tử vong.
VKSND TP HCM nhận định 2 người bạn của P. dùng ly, chén ném vào nhà làm H. thương tích 4% song quá trình điều tra không xác định rõ ai đánh H. Đồng thời, vụ việc xảy ra trong nhà H. chứ không phải nơi công cộng. Vì thế, cơ quan pháp luật không có căn cứ buộc 2 đối tượng trên tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây rối trật tự công cộng".
Luật sư Hà Ngọc Tuyền, Đoàn Luật sư TP HCM, khẳng định quán nhậu, quán karaoke hay những địa điểm tương tự là nơi sinh hoạt đông người. Hành động cãi vã, đánh nhau ở đây gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vì vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ cơ sở xác minh đó là nơi công cộng.
Chưa có hướng dẫn rõ ràng
Luật sư Tuyền phản ánh Bộ Luật Hình sự 2015 nêu rõ gây rối trật tự công cộng là hành động gây mất an ninh trật tự, ách tắc giao thông khiến người khác hoang mang… Cơ quan điều tra không cần xác định mức độ thương tích khi xử lý sai phạm này. Kết luận về địa điểm xảy ra vụ việc (có phải là nơi công cộng hay không) là khâu quan trọng nhất trong quá trình xử lý sai phạm. Song việc xác định nơi công cộng chủ yếu dựa vào nhìn nhận từ cá nhân, tập thể thi hành công vụ. Hiện TAND Tối cao chưa có hướng dẫn rõ ràng về vấn đề này. "Pháp luật nên mạnh tay trước hành động gây rối đối với tất cả các bên tham gia nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, nâng cao tính răn đe" - luật sư Tuyền đề xuất.
Đồng thuận với ý kiến trên, thiếu tá Lê Hữu Phước - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an quận 8, TP HCM - cho rằng cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm những vụ hỗn chiến gây hậu quả nghiêm trọng (có người tử vong, gây thương tích, hư hại tài sản…). Chỉ cần gây gổ, ồn ào (chưa cần đánh hay chém nhau) mà có người chứng kiến rồi khai lại hay đối tượng thừa nhận là có thì xử tội gây rối, tùy mức độ thiệt hại (có thể phạt hành chính hoặc khởi tố) nếu không có bằng chứng buộc các tội nặng hơn như: cố ý gây thương tích, giết người. Với vụ án giết người, cơ quan công an có thể khởi tố đối tượng không trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân nhưng cầm hung khí đánh nhau, gây náo loạn, ách tắc giao thông… Tùy theo mức độ hậu quả mà định hành vi phạm tội, có thể buộc tội gây rối.
Thiếu tá Phước cho biết năm 1985 trở về trước, công an đủ căn cứ xử lý hành vi gây rối trật tự công cộng khi đối tượng lên tiếng hưởng ứng hỗn chiến (chưa đánh nhau), la hét, cổ vũ. Hiện nay, tội "Gây rối trật tự công cộng" chỉ hình thành khi đối tượng đánh người, đập phá gây hậu quả. Chưa kể, cơ quan điều tra cần xác minh thêm nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến vụ việc. Thiếu tá Phước phân tích: "Luật định hướng nhân văn nhưng chưa hướng dẫn cụ thể. Do đó, nhiều quy định làm khó đơn vị thi hành. Đơn cử, trong vụ hỗn chiến có hàng chục đối tượng, cơ quan công an rất khó làm rõ tội gây rối. Đa phần lời khai lung tung, chối tội, hiện trường hỗn loạn khó thu thập chứng cứ".
Tội "Gây rối trật tự công cộng"
Điều 245 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tội "Gây rối trật tự công cộng" là tội xâm phạm đến an toàn công cộng, đến các quy tắc, sinh hoạt, đi lại, làm việc, vui chơi… ở nơi công cộng.
Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động; đập phá tài sản trong quán ăn, quán giải khát có đông người…
Bình luận (0)