Ở Đắk Lắk có nhiều khu rừng không lúc nào lặng tiếng cưa, tiếng búa của lâm tặc. Trong đó, Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’gar) và Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) hẳn là những khu rừng nóng nhất Đắk Lắk với những chuyến xe chở gỗ lậu hằng ngày và cả các vụ chống, thậm chí giết người bảo vệ rừng.
Đổ máu, chết người !
Ông Lê Văn Chiên, Đội phó Đội Quản lý bảo vệ rừng Buôn Ja Wầm (thuộc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm), đến giờ vẫn chưa hết ám ảnh bởi đợt tấn công của hơn 100 lâm tặc hồi cuối tháng 4 vừa qua.
“Tôi đang tuần tra, nghe ồn ào, chạy lại thì thấy trạm bị đập phá, một nhóm người rất đông vây đánh anh Nguyễn Đình Thân. Tôi vào can ngăn thì bị nhóm người này rượt đánh, phải bỏ chạy gần 2 km mới thoát. Các anh Lê Văn Hường và Phạm Văn Truyền được công ty điều vào viện trợ cũng bị hơn 100 người bao vây, đánh đập thương tích khắp người. Riêng Thân bị đánh gục tại chỗ mà lâm tặc vẫn bắt giữ, không cho đưa đi cấp cứu. Chỉ khi công an huyện đến, sự việc mới lắng xuống” - ông Chiên nhớ lại.
Trước đó, đêm 15-7, một vụ va chạm có sắp xếp đã xảy ra giữa lâm tặc và kiểm lâm của vườn. Lâm tặc đã cố tình tạo một vụ vận chuyển gỗ giả để dụ kiểm lâm viên đâm chìm xuồng của chúng. Lấy cớ này, tối 16-7, khoảng 50 tên chạy trên 7 xuồng máy đã “đánh úp” Trạm Bảo vệ số 6 - VQG Yok Đôn. Hậu quả, một kiểm lâm viên bị thương 15%, 8 người khác cũng bị đánh tơi tả...
Ngày càng táo tợn
Chiều 23-5, tại Trạm Kiểm lâm Xuyên Á (huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình), khoảng 30 lâm tặc mang theo hung khí bao vây và tấn công lực lượng kiểm lâm. Anh Trương Khánh Bằng, phụ trách trạm, nhớ lại: “Anh em đang ngồi họp triển khai công tác thì chúng xông đến tấn công, đập phá đồ đạc. Do chỉ có 5 người nên tôi đã bảo anh em tìm cách nhanh chóng rời khỏi trạm. Anh Phạm Thanh Long rời trạm sau cùng đã bị lâm tặc đuổi theo chém nhiều nhát vào người, ngất xỉu tại chỗ”.
Mới đây nhất, ngày 27-7, một nhóm gần 10 lâm tặc đã tấn công tổ kiểm lâm tại khu vực rừng già xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa - Quảng Bình. Sau đó, nhóm này đã bắt giữ 3 kiểm lâm viên và đòi tiền chuộc 25 triệu đồng. Hôm sau, lực lượng chức năng đã giải cứu 3 kiểm lâm viên và bắt giữ một lâm tặc trong nhóm...
Kiểm lâm luôn bị động Là một trong những điểm nóng nhất về tình trạng phá rừng nhưng Buôn Ja Wầm chỉ có 12 kiểm lâm viên bảo vệ hơn 9.000 ha. Công cụ hỗ trợ công tác bảo vệ rừng chủ yếu là gậy gộc, đáng kể nhất là một bình xịt hơi cay. Trong khi đó, lâm tặc ngày càng nhiều, trang bị đầy đủ dao, mã tấu và cả súng.
Ông Phạm Đình Tường bức xúc: “Chúng tôi đã đổ máu, thậm chí mất mạng nhưng vẫn không bảo vệ được rừng”.
Tại VQG Yok Đôn, tình hình cũng không khả quan hơn. Với địa hình bằng phẳng, chủ yếu là rừng khộp nên xe chở gỗ lậu có thể xâm nhập mọi hướng. Trong khi đó, có tới 7 xã nằm trong vùng đệm của vườn, đời sống của người dân hết sức khó khăn do đất đai cằn cỗi nên họ đã vào rừng mưu sinh và không ít người đã trở thành lâm tặc.
Từ đầu năm 2011 đến nay, kiểm lâm của vườn đã phải xử lý khoảng 300 vụ vi phạm lâm luật. VQG Yok Đôn như là một túi mật khổng lồ của bầy ong lâm tặc trong vùng.
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, nhận định: “Lâm tặc tìm mọi cách để hành hung kiểm lâm viên với mục đích dằn mặt, đe dọa”.
Theo ông Thái, cũng như ở Đắk Lắk, kiểm lâm tại Quảng Bình luôn bị động trong tương quan lực lượng và công cụ hỗ trợ khi đương đầu với lâm tặc.
“Ngoài sự liều lĩnh, hung hãn của lâm tặc thì phương tiện hỗ trợ của kiểm lâm chưa đủ mạnh nên khó trấn áp bọn phá rừng” - ông Phan Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng, nhấn mạnh. |
Bình luận (0)