Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm, trên cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục nhưng đưa ra xét xử chỉ chiếm 40%. Riêng địa bàn TP HCM, mỗi năm xảy ra hơn 300 vụ xâm hại tình dục; trong giai đoạn 2012-2015, VKSND TP đã kiểm sát điều tra gần 1.000 vụ xâm hại tình dục với 826 bị can. Đặc biệt, số vụ án xâm hại tình dục phải tạm đình chỉ điều tra do chưa xác định được đối tượng hoặc đối tượng bỏ trốn là 136 vụ và 29 bị can.
Trẻ dễ bị lạm dụng
VKSND TP HCM đã chọn 149 vụ án xâm hại tình dục với 149 bị hại để phân tích, đánh giá và kết quả cho thấy nhóm tuổi bị xâm hại nhiều nhất là từ 12 đến dưới 13. Đây là lứa tuổi mà các bé gái bước vào giai đoạn dậy thì nên tò mò về quan hệ tình dục, có sự quan tâm đến những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Các em muốn thu hút sự chú ý của người xung quanh, nhất là người khác giới nhưng lại thiếu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, khả năng nhận biết để tự phòng vệ nên rất dễ bị xâm hại tình dục.
Thực tế, phần lớn các gia đình Việt Nam chưa có thói quen dạy trẻ về giới tính và coi đây là vấn đề cấm kỵ. Trẻ đặt câu hỏi nhưng người lớn trả lời qua loa càng kích thích sự tò mò nên chúng tự tìm hiểu ở những kênh thông tin khác. Bên cạnh đó, một số cha mẹ mải mê công việc hoặc ly hôn, trẻ thiếu thốn tình cảm nên dễ bị lôi kéo, lợi dụng. Bản thân một số trẻ trong độ tuổi dậy thì cũng thích ăn chơi đua đòi, dễ dãi trong việc kết bạn, yêu đương. Một vài gia đình quá chủ quan, mất cảnh giác để trẻ ở nhà một mình hoặc gửi cho người không đáng tin cậy nên rất dễ bị lạm dụng.
Khó xử lý
Bà Vũ Xuân Nhuệ, Phó trưởng Phòng Kiểm sát án hình sự về trật tự xã hội - VKSND TP HCM, cho biết hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không bị bắt quả tang, không có người làm chứng, nhiều vụ bị hại còn quá nhỏ hoặc nhận thức hạn chế; nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại có tâm lý xấu hổ, lo sợ ảnh hưởng đến gia đình, cuộc sống của trẻ sau này nên không trình báo cơ quan chức năng mà tự thương lượng, giải quyết. “Ý thức pháp luật của người dân chưa cao, nhất là những cơ sở cho thuê phòng trọ, khách sạn, thấy trẻ em gái đi cùng nam thanh niên đến thuê phòng nhưng không kiểm tra giấy tờ, không ghi chép vào sổ lưu trú... khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Một số vụ án xâm hại tình dục mang tính chất loạn luân giữa những người cùng huyết thống, người bị hại và gia đình thường không muốn xử lý trừ trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (như bị hại mang thai, sinh con, tâm thần, sức khỏe bị tổn thương...) hoặc bị người ngoài phát hiện, tố cáo” - bà Nhuệ nói.
Ngoài các lý do trên, theo bà Vũ Xuân Nhuệ, một số vụ cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ do việc trình báo chậm nên không đủ cơ sở để xử lý đối tượng. Có trường hợp trong quá trình điều tra, đối tượng hoặc bị hại thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho người phạm tội... gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Một số vụ mặc dù cả người phạm tội và bị hại đều thừa nhận hành vi giao cấu nhưng ngoài lời khai thì cơ quan điều tra không thu thập được chứng cứ nào khác nên không thể xử lý hình sự.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, cũng cho rằng hiện nay, các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục xảy ra rất nhiều mà nạn nhân tuổi còn rất nhỏ nên công tác điều tra, xử lý kẻ phạm tội không hề dễ dàng vì chứng cứ buộc tội khá yếu ớt. Đặc biệt, việc xử lý đối tượng còn gặp khó khăn ở chỗ lời khai bị hại bất nhất, không đúng thực tiễn khách quan.
“Tôi từng tham gia một vụ án mà nạn nhân khai là người này nhưng phết tế bào ADN lại ra một người khác. Có trường hợp trong quá trình điều tra, bị can nhận tội nhưng ra tòa lại chối, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng. Tốt hơn hết, người dân nên tìm đến cơ quan công an gần nhất để được cấp giấy giới thiệu đến các cơ sở y tế có thẩm quyền để được giám định, phết tế bào ADN; có như vậy, kẻ phạm tội không còn lý do gì để phủ nhận hành vi của mình” - luật sư Thủy khuyến cáo.
Nhiều quy định gây khó
Nhiều quy định của pháp luật hiện nay được cho là gây khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng như: quy định giám định về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là thu thập mẫu để giám định ADN làm căn cứ khởi tố vụ án và bị can nhưng không là quy định bắt buộc trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự và Luật Giám định tư pháp. Cấu trúc điều 112 Bộ Luật Hình sự 1999 của tội “Hiếp dâm trẻ em”, về mức khởi điểm của khung hình phạt này tại khoản 3 (là 20 năm) lại nặng hơn khoản 4 (từ 12 năm trở lên), dẫn tới một số vụ án hiếp dâm trẻ em, việc áp dụng khoản 3 hay khoản 4 tại các địa phương chưa thống nhất.
Bình luận (0)