Theo thống kê của Công an TP HCM từ năm 2011 đến nay, cơ quan này đã phát hiện, tiếp nhận và xử lý 39 vụ tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác, sản phẩm chế tác từ ngà voi; thu giữ 10 kg sừng tê giác, 5.729 kg ngà voi.
Không phải loài nguy cấp?
Công an TP HCM cho biết hiện nay có rất nhiều văn bản, thông tư, nghị định, công ước xử lý hình sự đối với việc mua bán, vận chuyển động vật hoang dã. Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, mặc dù danh mục loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP) đã quy định chi tiết, cụ thể nhưng thực tế điều tra cho thấy một số vụ việc khi trưng cầu giám định mẫu vật của loài động vật là tang vật bị bắt giữ thì kết quả không có tên trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ.
Điển hình như vụ Nguyễn Đức Nguyên vận chuyển trái phép sừng tê giác tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), kết quả giám định là sừng của tê giác hai sừng có nguồn gốc châu phi. Tuy nhiên, trong danh mục Nghị định 160/2013/NĐ-CP chỉ quy định loài tê giác một sừng.
Cũng vướng mắc về quy định này đã dẫn đến việc không thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Thông tư số 40 ngày 5-9-2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không quy định tê giác 2 sừng hay 1 sừng mà nêu chung chung là “các loài tê giác” nên đã mâu thuẫn với Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP nên khi xử lý với vi phạm về sừng tê giác đã có ý kiến trái chiều.
Rõ ràng nhất là một vụ phát hiện vận chuyển sừng tê giác qua đường hàng không nhưng quan điểm giữa VKS và TAND quận Tân Bình khác nhau về tê giác 2 sừng và 1 sừng nên phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp TP.
Bên cạnh đó, việc xử lý các đối tượng vận chuyển sừng tê giác cũng gặp nhiêu khê khi việc định giá làm căn cứ để xử lý không thể thực hiện được. Nguyên nhân vì chưa có hướng dẫn quy định việc định lượng, xác định thế nào là số lượng lớn, đặc biệt lớn đối với hàng cấm là sừng tê giác.
Lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP HCM nói: “Luật quy định hàng cấm số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn mới xử lý hình sự nhưng chưa quy định khối lượng, số lượng là bao nhiêu nên không thể áp dụng luật để xử lý hình sự được. Về việc này, liên ngành tố tụng trung ương đã có dự thảo hướng dẫn xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua”.
Quy ra tiền mới xử lý được!
Theo Chi cục Kiểm lâm TP HCM, Bộ Luật Hình sự quy định hàng hóa phải có giá trị từ 100 triệu đồng mới xử lý hình sự đối với tội “buôn lậu” hoặc “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý hành chính.
Mặc dù vậy, các căn cứ pháp lý về xử lý vi phạm hành chính, tội phạm hình sự có nhiều sơ hở đã gây khó khăn trong công tác đấu tranh. Cụ thể, mức xử phạt vi phạm đối với động vật nguy cấp, quý hiếm đều căn cứ vào giá trị quy ra tiền của động vật hoặc bộ phận động vật. Trong khi loài nguy cấp, quý hiếm là hàng hóa cấm lưu hành trên thị trường nên không thể căn cứ vào giá thị trường để tham chiếu xử phạt.
Vấn đề là nếu cơ quan có thẩm quyền không xác định được giá trị quy ra tiền của tang vật vi phạm là bộ phận động vật thì đồng nghĩa với việc không xử lý được hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Thông tư 90/2008/TT-BNN hướng dẫn xử lý tang vật là động vật hoang dã sau khi xử lý tịch thu cho phép bán là điểm bất hợp lý nhất của pháp luật hiện hành. Cho đến nay, vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể về phương thức bán hay tiêu thụ và cũng không rõ đối tượng nào được phép mua. Bên cạnh đó, chính việc cho phép bán tang vật ra thị trường cũng đã đánh trúng nhu cầu sử dụng động vật hoang dã của người dân, gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động tiêu thụ, mua bán, khó kiểm soát.
Quy định cho phép bán tang vật bị tịch thu cũng mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản về bảo tồn động vật hoang dã của Công ước CITES mà Việt Nam là thành viên.
Để đối phó với việc vận chuyển các bộ phận động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng vào Việt Nam, Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát các vụ án về kinh tế và chức vụ VKSND TP HCM đề xuất cần nâng mức hình phạt tại điều 190 Bộ Luật Hình sự vì mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù chưa đủ sức răn đe.
Cũng theo VKSND TP HCM, không nên quy định giá trị tiền đối với động vật hoang dã cũng như sản phẩm của chúng mà chỉ quy định theo hình thức cá thể vì nhiều loài có giá trị rất lớn đối với bảo tồn nhưng lại rất rẻ trong buôn bán. “Cần có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa lực lượng công an với hải quan, kiểm lâm. Bởi lẽ, khi các lực lượng này chưa thể gắn kết chặt chẽ với nhau thì nạn săn bắt, vận chuyển, mua bán và tàng trữ động vật hoang dã, quý hiếm chưa thể ngăn chặn triệt để được” - VKSND TP HCM nhấn mạnh.
Đề xuất của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP HCM nhận được sự đồng thuận rất cao của các cơ quan chức năng. Cụ thể, liên ngành trung ương và Chính phủ cần có quy định riêng về xử lý tang vật đối với các vi phạm về động vật hoang dã. Theo đó, quy định ngay sau khi có kết luận giám định xác định căn cứ xử lý thì được xử lý tang vật ngay, không chờ đến khi kết thúc vụ án, có quyết định tịch thu của cơ quan có thẩm quyền.
Muôn nẻo đối phó
Theo Cục Hải quan TP HCM, thủ đoạn các đối tượng vận chuyển sừng tê giác, ngà voi rất tinh vi. Bọn tội phạm giấu các sản phẩm này trong những khúc gỗ được khoét rỗng ruột, chèn sáp hoặc thạch cao, đóng kín bằng đinh gỗ; bên ngoài dán kín bằng keo, phủ đất nhằm qua mặt máy soi. Ngoài ra, các đối tượng còn khai báo gian dối khi tờ khai hải quan là hàng hóa khuyến khích nhập khẩu nhưng lại là sản phẩm động vật quý hiếm. Với thủ đoạn này, ngày 14-3, Tổng cục Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan sân bay Nội Bài (Hà Nội) kiểm tra, phát hiện lô 102 kg sừng tê giác chứa trong 2 vali “vô chủ”.
Bình luận (0)