VKSND TP Hà Nội đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can cũng như lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Lệ (tức Mai, SN 1982, quê xã Trung Sơn, huyện Việt Yên - Bắc Giang) của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội.
Trước đó, sau khi bắt giữ Nguyễn Thị Lệ và giải thoát cháu Phạm Xuân Trường tại nhà chồng của Lệ tại xã Vân Hà (huyện Đông Anh - Hà Nội), Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vào chiều 9-11 đã ra quyết định khởi tố vụ án “chiếm giữ trái phép trẻ em”, đồng thời ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Lệ về hành vi chiếm giữ trái phép trẻ em.
Bước đầu tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Lệ khai nhận là do mang thai nhưng vì thai chết lưu nên đã nghĩ cách bắt cóc một trẻ sơ sinh để đưa về nhà nuôi.
Thực hiện kế hoạch bắt có trẻ sơ sinh, “mẹ mìn” Nguyễn Thị Lệ đã trà trộn vào vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ăn trộm một bộ quần áo blouse trắng, đeo thẻ giả dạng nhân viên của bệnh viện để bắt cóc cháu Trường.
Như Báo Người Lao Động đã liên tục thông tin, sản phụ Trần Thị Thơm (SN 1977, ở huyện Yên Mỹ - Hưng Yên) nhập viện Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 1-11 và sinh mổ cháu Phạm Xuân Trường, 3,4 kg, vào lúc 23 giờ đêm cùng ngày.
Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ ngày 3-11, sau khi đưa cháu Trường đi tắm về, có 1 người phụ nữ khoảng 25-30 tuổi mặc áo blouse trắng, đeo thẻ, đến hỏi han rồi bảo đưa cháu đi xét nghiệm.
Vụ bắt cóc cháu Trường ngay tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã làm chấn động dư luận.
Khẩn trương vào cuộc điều tra, lực lượng công an TP Hà Nội đã làm rõ, bắt giữ Nguyễn Thị Lệ và giải thoát cháu Phạm Xuân Trường tại nhà chồng Lệ tại xã Vân Hà vào chiều 8-11.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho biết: “Chiếm đoạt trẻ em” là lấy đứa trẻ của người khác về cho mình bằng cách dựa vào vũ lực, quyền thế hoặc các thủ đoạn khác. Hậu quả xảy ra là đứa trẻ bị đem mua, bán, bị đánh tráo, bị chiếm đoạt đã rời khỏi sự quản lý của cha mẹ, gia đình, người thân…
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra.
Theo Điều 120 Bộ luật Hình sự thì khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Khi có các tình tiết tăng nặng khung hình phạt sẽ là bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc phạt quản chế từ 1-5 năm".
Bình luận (0)