Sau 6 ngày xét xử, sáng 30-7, đại diện VKSND TP HCM thực hành quyền công tố đã đề nghị mức án đối với bị cáo Trầm Bê cùng 45 đồng phạm khác về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Phạm Công Danh (SN 1965; nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) 20 năm tù, tổng hợp bản án trước đó buộc ông Danh phải chấp hành bản án chung là 30 năm tù.
Các bị cáo đang nghe VKS đề nghị mức án
Nhóm cựu lãnh đạo Ngân hàng VNCB bị đề nghị mức án như sau: Phan Thành Mai từ 12 đến 14 năm tù; Mai Hữu Khương từ 10 đến 12 năm tù.
Nhóm các bị cáo tại Ngân hàng Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Đinh Việt Cường; Nguyễn Thị Bích Thủy bị đề nghị mức án lần lượt là từ 5 đến 6 năm tù và từ 5 đến 6 năm tù.
Nhóm bị cáo tại Sacombank Trầm Bê (SN 1959; nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bị đề nghị mức án từ 4 đến 5 năm tù; Phan Huy Khang (Tổng Giám đốc Sacombank) từ 3 đến 4 năm tù…
Nhóm các bị cáo tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Gia Định bị đề nghị mức án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù cùng tội danh.
Về số tiền 6.126 tỉ đồng được VKSND Tối cao yêu cầu thu hồi từ BIDV, TPBank và Sacombank để trả lại cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (trước đây là VNCB, nay là CB): VKS đề nghị HĐXX ra phán quyết khách quan để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Trong phần đề nghị, VKSND TP HCM chỉ đề nghị mức án đối với 46 bị cáo; xem xét việc thu hồi 6.126 tỉ đồng chứ không đề cập đến trách nhiệm của ông Trần Bắc Hà và những lãnh đạo ngân hàng liên quan.
Vụ án xảy ra tại 4 ngân hàng: VNCB, BIDV, Sacombank và TPBank.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ năm 2013 đến năm 2014, Phạm Công Danh, do cần tiền để sử dụng mục đích riêng nhưng không thể vay được trực tiếp tại Ngân hàng VNCB, nơi mình đang là Chủ tịch HĐQT nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank (1.800 tỉ đồng), TPBank (1.666 tỉ đồng) và BIDV (4.700 tỉ đồng).
Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến Ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỉ đồng.
Bình luận (0)