Ngày 25-1, TAND TP HCM vừa nhận văn bản kháng nghị từ VKSND Cấp cao tại TP HCM về vụ án thất thoát hơn 50,6 tỉ đồng ở Công ty CP Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (viết tắt: Petroland).
Thoát trách nhiệm hình sự hoặc nhận án nhẹ
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kháng nghị là do bản án sơ thẩm vi phạm áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và tuyên hình phạt dưới mức thấp nhất khung hình phạt quy định. Từ đó, VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị tòa phúc thẩm tăng hình phạt đối với 4 bị cáo, gồm: Phạm Thúy Nga, Lê Tú Phương, Dương Công Thọ, Nguyễn Thị Ngọc Tuyền. Đây là những đồng phạm giúp sức Bùi Minh Chính (nguyên chủ tịch HĐQT Petroland, lãnh 7 năm tù) "rút ruột" hơn 50,6 tỉ đồng.
Trước đó, TAND huyện Bình Chánh (TP HCM) trả hồ sơ, yêu cầu VKSND huyện điều tra bổ sung vai trò đồng phạm của bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (sống chung như vợ chồng với bị cáo Nguyễn Minh Dũng) trong vụ án giam cầm, đánh đập làm cô gái sẩy thai.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Minh Dũng và Nguyễn Thị Ngọc Huyền cùng ra tòa về tội "Bắt, giữ người trái pháp luật", "Cố ý gây thương tích" và "Tàng trữ trái phép chất ma túy"; Trần Nhật Khang ra tòa về tội "Bắt, giữ người trái pháp luật", "Cố ý gây thương tích".
Căn cứ diễn biến phiên tòa, HĐXX đã yêu cầu cơ quan công tố làm rõ trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây tổn hại đến sức khỏe của người khác" đối với bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - người vắng mặt tại tòa. Theo hồ sơ, bà Hạnh biết nạn nhân sẩy thai sau khi bị Dũng, Huyền tra tấn và đã nhờ bà Trần Thị Sương, mẹ ruột Dũng, đem vứt thi thể trẻ sơ sinh.
Phiên tòa xét xử ba bị cáo giam cầm, tra tấn làm nạn nhân sẩy thai
Nhận định trái chiều
Hai vụ án trên là những vụ án điển hình nảy sinh tình trạng nhận định "chỏi nhau" trong quá trình truy tố, xét xử.
Về lý do không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị Hồng Hạnh và bà Trần Thị Sương, đại diện VKSND huyện Bình Chánh giải thích: "Điều 390, Bộ Luật Hình sự quy định tội danh "Không tố giác tội phạm" không đề cập đến vấn đề xử lý hành vi không tố giác tội phạm ở hai nhóm tội "Bắt, giữ người trái pháp luật", "Cố ý gây thương tích". Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng không tìm ra cơ sở truy cứu hình sự hai cá nhân trên". Cơ quan công tố nhận định hai người phụ nữ này không biết, không tham gia phụ giúp 3 bị cáo trong việc bắt giữ, đánh đập nạn nhân nên cơ quan công tố không xử lý vai trò đồng phạm. Chiếu theo pháp luật hình sự, hành vi nêu trên cũng không cấu thành tội "Không tố giác tội phạm". Trước đó, luật sư bảo vệ bị hại đề nghị cơ quan pháp luật khởi tố bà Hạnh với vai trò đồng phạm.
Tương tự, ở vụ thất thoát tại Petroland, tòa sơ thẩm cùng cơ quan ban hành cáo trạng có những quan điểm trái chiều. Khi tuyên án, TAND TP HCM quyết định phạt 4 bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề theo khoản 2, điều 54, Bộ Luật Hình sự, điều luật về áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Từ đó, Phạm Thúy Nga, Nguyễn Thị Ngọc Tuyền mỗi bị cáo lãnh 3 năm tù, Lê Thúy Phương và Dương Công Thọ mỗi bị cáo 4 năm tù cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong khi đó, VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng 4 bị cáo nhiều lần giúp sức bị cáo Bùi Minh Chính. Nếu không có những bị cáo này giúp đỡ thì bị cáo Bùi Minh Chính không thể hoàn thành việc rút tiền chi tiêu trái quy định nhà nước. Số tiền thất thoát gấp 50 lần số tiền là định khung hình phạt trong khoản 3, điều 356, Bộ Luật Hình sự (quy định tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"). Những bị cáo trên vừa là đồng phạm giúp sức tích cực, vừa là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Vì phạm tội nhiều lần nên 4 bị cáo phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng, không phải là người phạm tội lần đầu, người giúp sức trong vụ án đồng phạm có vai trò không đáng kể như cấp sơ thẩm kết luận nên không đủ điều kiện áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề.
Pháp luật cần bổ sung
Theo thạc sĩ Phạm Minh Tùng (Hội Luật gia TP Hà Nội), Bộ Luật Hình sự thể hiện tính nhân đạo khi quy định người thân của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội xâm phạm an ninh quốc gia; hoặc những tội khác có tính chất đặc biệt nghiêm trọng (không có tội "Cố ý gây thương tích", "Bắt giữ người trái pháp luật"). Ở tội "Che giấu tội phạm", người thân của người phạm tội có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số vụ án có người thực hiện hành vi che giấu hoặc không tố giác tội phạm đã và đang có xu hướng gia tăng, nhất là sự việc người thân trong gia đình bao che lẫn nhau. "Nhiều trường hợp bao che như vậy khiến cơ quan điều tra gặp khó khăn, thậm chí bế tắc trong quá trình làm sáng tỏ vụ án. Chính vì thế, pháp luật cần bổ sung nhiều tội danh làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người che giấu hoặc không tố giác người có hành vi phạm vào những tội danh đó, đơn cử như tội "Cố ý gây thương tích" với mức độ thương tật cụ thể" - ông Phạm Minh Tùng lưu ý.
Nêu quan điểm về vấn đề xét xử người phạm tội với vai trò đồng phạm, ông Phạm Minh Tùng cho rằng pháp luật quy định khá cặn kẽ, đầy đủ trường hợp phạm tội nêu trên. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng không gặp khó khăn nhiều khi xác định tính chất, mức độ phạm tội để định khung hình phạt.
Bình luận (0)