Trước những bức xúc của dư luận xung quanh việc “Án giao thông: Xử sao cũng được!” (đăng trên Báo Người Lao Động ngày 15-12), chúng tôi đã trao đổi với một số thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư về vấn đề này.
Nặng - nhẹ nhờ quan hệ?
Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, cho rằng lỗi trong các vụ án giao thông muôn hình vạn trạng, rất phức tạp. “Mỗi vụ án là một vi phạm khác nhau, rất khó áp dụng hình phạt tương tự. Vì vậy, việc các tòa án xử mức hình phạt khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Ví dụ, cùng là tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” nhưng hình phạt của người chạy xe vượt đèn đỏ tông chết người sẽ nghiêm khắc hơn so với một người chở hàng cồng kềnh để hàng hóa va quệt làm chết người” - ông Long nói.
“Với những vụ án dư luận không đồng tình và phản ứng gay gắt về mức án của bị cáo, dù bản án không bị gia đình người bị hại kháng cáo, VKSND không kháng nghị, tòa án cấp trên vẫn quyết định xem xét xử giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật” - ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, thẩm phán Vương Văn Nghĩa (TAND TP HCM) cho rằng nếu lỗi hoàn toàn do người gây tai nạn, làm chết người và bị thương nhiều người thì không thể cho hưởng án treo. Dù người gây tai nạn đã bồi thường thiệt hại, được gia đình nạn nhân bãi nại cùng với một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng..., cũng chỉ là những tình tiết giảm nhẹ để tòa xem xét khi lượng hình.
“Tôi từng xử một vụ án tai nạn giao thông mà bị hại và bị cáo là bạn thân. Dù cân nhắc kỹ lưỡng và rất xót xa trước hoàn cảnh của bị cáo nhưng tôi vẫn phải tuyên sửa án sơ thẩm từ phạt tiền sang 6 tháng tù giam vì khi điều khiển xe có sử dụng rượu bia, ngủ gật nên va quệt với xe khác khiến người bạn ngồi sau ngã xuống đường tử vong. Ở một vụ án khác, tôi đã tuyên bị cáo được hưởng án treo vì trong quá trình lưu thông trên đường, do đêm tối và thiếu quan sát nên đã tông trúng đống vật liệu xây dựng khiến người bạn ngồi sau bị thanh sắt đâm tử vong. Rất tiếc là cấp phúc thẩm đã chuyển thành tù giam theo kháng nghị của viện kiểm sát” - thẩm phán Nghĩa trăn trở.
Trong khi đó, một kiểm sát viên VKSND TP HCM cho rằng tòa án các nơi xử mức án nặng - nhẹ khác nhau, ngoài việc căn cứ trên mức độ nguy hiểm của hành vi, thái độ ăn năn hối lỗi, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại..., ở một số nơi có hiện tượng bị cáo “có mối quan hệ” với các cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan tố tụng.
Bịt kẽ hở xử án giao thông
Mới đây, liên bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đã ký Thông tư số 09/2013 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, có hiệu lực từ ngày 6-11-2013. Thông tư này nêu rõ những tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt, tránh trường hợp xử kiểu nào cũng được.
Theo đó, việc gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1, điều 202 (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) trong Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau: làm chết 1 người; gây tổn hại cho sức khỏe của 1-2 người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên, gây tổn hại cho sức khỏe của từ 2 người trở lên với tỉ lệ thương tật của mỗi người dưới 31% nhưng tổng tỉ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41%-100%...
Chỉ có trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công...) mà gây tai nạn thì người điều khiển không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, mà bị xử lý về tội tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội đó.
Được trục xuất, phạt tiền vì là người nước ngoài Ngày 27-9-2012, TAND TP HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lars Bjronar Hanssen (SN 1974, quốc tịch Na Uy) 30 triệu đồng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Trước đó, VKSND TP HCM truy tố Lars Bjronar Hanssen theo khoản 2, điều 202 Bộ Luật Hình sự (không bằng lái, thiếu quan sát, sử dụng rượu bia, gây hậu quả nghiêm trọng). Lars Bjronar Hanssen chở bạn gái bằng xe máy, lao lên lề phải và tông chết một phụ nữ. Sau khi gây tai nạn, bị cáo đã đền bù cho gia đình nạn nhân 140 triệu đồng. Trước đó, ngày 19-1-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng cáo của Makhov Vladimir Vladimirovich (SN 1967, quốc tịch Nga), trục xuất bị cáo ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vì tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Makhov Vladimir Vladimirovich lái ô tô chở vợ, do thiếu quan sát đã tông chết một người bán hàng rong. Sau tai nạn, bị cáo đã bồi thường cho gia đình nạn nhân 100 triệu đồng và được bãi nại. TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt 18 tháng tù giam.
T.Thiên
|
Bình luận (0)