Gần đây, nhiều vụ người dân chống đối, thách thức, thậm chí lao xe vào lực lượng CSGT đang thực thi nhiệm vụ diễn ra liên tục. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Thách thức, chống người thi hành công vụ
Chiều 30-7, khoảng 20 thanh thiếu niên độ tuổi từ 16-25 ngang nhiên tụ tập, chuẩn bị đua xe gây náo loạn tại nhiều đường ở TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Khi tổ tuần tra kiểm soát chống đua xe trái phép Công an TP Mỹ Tho ra hiệu dừng xe, các đối tượng trên vẫn ngang nhiên rồ ga lạng lách, phóng xe bạt mạng, thách thức, khiêu khích tổ CSGT.
Trước đó, một sự việc cũng gây ồn ào trên mạng xã hội khi người điều khiển một chiếc ôtô Mercedes GLS cãi tay đôi với CSGT khi bị yêu cầu xuống xe để cẩu xe về trụ sở do đậu sai quy định. Người này cho rằng phải bảo vệ tài sản (chiếc xe 5,2 tỉ đồng và trên xe có nhiều tiền); đồng thời, chìa xấp tiền mệnh giá lớn trước mặt CSGT khiến nhiều người bất bình.
Xe vi phạm đâm thẳng vào xe chuyên dụng lúc đại úy CSGT đang đứng phía sau (ảnh cắt từ clip)
Nghiêm trọng nhất là vụ chống trả lực lượng CSGT gây trọng thương cho một đại úy đang công tác tại Công an huyện Kong Chro (tỉnh Gia Lai). Theo clip trên mạng xã hội, lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ chặn 1 chiếc xe khách nghi vi phạm thì chiếc xe loại 12 chỗ ngồi lao đến tông thẳng. Cú tông mạnh khiến chiếc xe chuyên dụng bị hất văng, trung tá CSGT đang đứng sau xe bị thương, chiếc xe gây tai nạn cũng bị lật nghiêng.
CSGT tự rèn luyện mình
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM), những sự việc đáng buồn trên do nhiều nguyên nhân mà trước tiên là ý thức tôn trọng luật pháp của công dân kém. Để xã hội thật sự có tôn ti trật tự, kỷ luật, kỷ cương thì chính cơ quan nhà nước, các tổ chức có quyền lực phải là những tấm gương tôn trọng luật lệ, khi sai phạm là xử phạt nghiêm, có như vậy pháp luật mới có hiệu lực.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sẽ tùy từng lỗi vi phạm của người tham gia giao thông mà sẽ bị xử lý. Nếu có những hành vi, như: có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các chiến sĩ CSGT đang thi hành công vụ, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ thì tùy mức độ mà xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP (phạt tiền từ 2-5 triệu đồng); hoặc bị xử lý trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP; hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ hay cố ý gây thương tích.
"Đó là chế tài đối với người vi phạm. Còn đối với lực lượng CSGT, pháp luật như hiện nay cũng đã quy định đủ (về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết khi thi hành công vụ), quan trọng là CSGT phải nâng cao hình ảnh của mình, có tác phong, tư thế, lời nói chừng mực; gương mẫu, nghiêm túc, minh bạch, thượng tôn pháp luật trong thực thi công vụ. Lúc đó, ý thức của người dân cũng được nâng lên, việc sửa luật, tăng thêm quyền CSGT được sử dụng súng bắn trong trường hợp chống lệnh như một số đề nghị là không cần thiết" - luật sư Lưu Tấn Anh Toàn phân tích.
Nhiều năm tham gia xét xử các vụ án hình sự, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) nhìn nhận thực tế nhiều người dân trong một phút nóng giận, không kiềm chế đã có những lời lẽ, hành động không đúng chuẩn mực và nặng hơn là vi phạm pháp luật. Có rất nhiều trường hợp đã bị xử án tù về tội chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng.
"Quy định đã có, hành vi của người vi phạm cũng từng bị pháp luật xét xử, câu hỏi đặt ra là vì sao mức độ, tần suất của các vụ thóa mạ CSGT ngày càng diễn ra dày đặc và nghiêm trọng? Trước hết, theo tôi, đó là do CSGT ngại bị quay clip đưa lên mạng nếu đánh trả, ngại bị vu oan, bị xử lý kỷ luật… nên chùn tay trước vi phạm. Đặc biệt, đâu đó vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, mãi lộ, thậm chí có cá nhân còn gọi người đánh dằn mặt người vi phạm dẫn đến chết người (vụ nguyên thượng úy CSGT Công an quận Tân Bình Phạm Sỹ Hoài Như vừa bị tòa xử) làm cho lòng tin và sự tôn trọng của người dân đối với lực lượng CSGT bị giảm sút. Ngành công an cần nhìn thẳng vào những mặt chưa tốt này để có biện pháp chấn chỉnh, lúc đó sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân, dù họ bị xử phạt" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
Những quyền cảnh sát được thực hiện
Cảnh sát có quyền được thực hiện một số hành vi nhằm trấn áp hành vi côn đồ của người vi phạm. Cụ thể:
1. Trực tiếp có hành vi chống trả, khống chế bằng vũ lực nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng để bảo vệ cho chính tính mạng và sức khỏe của mình;
2. Được sử dụng công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tước bỏ hung khí và ngăn chặn trực tiếp hành vi của người chống người thi hành công vụ;
3. Được quyền cưỡng chế, bắt giữ trực tiếp người có hành vi chống người thi hành công vụ; 4. Lực lượng cảnh sát còn có thể nổ súng trực tiếp nhằm phòng vệ chính đáng. Đây là quy định đặc biệt.
Bình luận (0)