Mới đây, TAND Cấp cao tại TP HCM bác kháng cáo, tuyên y án tử hình về tội "Tham ô tài sản" đối với bị cáo Thi Danh (cựu Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Tân Phú, TP HCM). Trước đó, sau bản án tử hình ở cấp sơ thẩm, bị cáo Thi Danh đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đục khoét tiền tỉ
Theo hồ sơ, từ năm 2003-2016, UBND quận Tân Phú giao Ban BTGPMB kiểm tra, thực hiện bồi thường, hỗ trợ người dân tại 6 dự án. Lợi dụng quyền hạn trưởng ban khi thực hiện nhiệm vụ tại dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, bị cáo Thi Danh và đồng phạm chiếm đoạt hơn 23 tỉ đồng. Trong quá trình bồi thường, hỗ trợ 2 hộ dân trong dự án nâng cấp, mở rộng đường Lũy Bán Bích, trưởng ban Thi Danh chiếm dụng 450 triệu đồng. Không chỉ vậy, bị cáo Thi Danh còn "rút ruột" tiền bồi thường ở nhiều dự án khác. Cơ quan chức năng xác định bị cáo Thi Danh lợi dụng vị trí trưởng ban để chỉ đạo cấp dưới lập, ký thủ tục kế toán sai quy định, số tiền nhà nước mất trắng là hơn 54,1 tỉ đồng.
Bị cáo Thi Danh lãnh án tử hình về tội “Tham ô tài sản”
Tương tự, bị cáo Quách Vân Loan (nguyên cán bộ chuyên trách giảm nghèo, tăng hộ khá tại UBND phường 11, quận 6, TP HCM) bị tuyên phạt 20 năm tù về tội "Tham ô tài sản". Lợi dụng vị trí công việc, Loan lập 267 hồ sơ khống vay vốn Quỹ Xóa đói giảm nghèo (XĐGN). Chưa hết, bị cáo thu hồi vốn vay quỹ XĐGN nhưng không nộp ngân sách; kê khống danh sách hộ nghèo vay quỹ XĐGN. Tổng cộng, bị cáo "bỏ túi" gần 7,4 tỉ đồng.
Trên đây là những vụ án điển hình thể hiện quan điểm xét xử quyết liệt đối với những bị cáo phạm tội "Tham ô tài sản".
Không giảm nhẹ hình phạt
Như những người vướng vòng lao lý, các bị cáo trong vụ án tham ô tài sản đều tha thiết xin pháp luật khoan hồng. Thực tế xét xử cho thấy các bị cáo trên thường có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà nhiều bị cáo ra tòa về tội danh khác không có (có nhiều cống hiến trong quá trình công tác, gia đình có công, nhận nhiều bằng khen…). Tuy nhiên, đối với người phạm tội "Tham ô tài sản", cơ quan xét xử thường "căng ke" hơn khi lượng hình.
Ở vụ án xảy ra tại Ban BTGPMB quận Tân Phú, 5 đồng phạm giúp sức bị cáo Thi Danh "đục khoét" ngân sách không ai thoát khỏi án tù giam vì cùng phạm tội "Tham ô tài sản". Trong đó, một cựu kế toán trưởng lãnh 15 năm tù. Ngoài hình phạt cao nhất, hai cấp xét xử đều buộc các bị cáo hoàn trả toàn bộ số tiền do phạm tội mà có. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Thi Danh tha thiết: "Bị cáo có nhiều đóng góp trong quá trình công tác, gia đình bị cáo có công với cách mạng… Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo cơ hội được sống". Tuy nhiên, cấp phúc thẩm nhận định bị cáo không có thêm tình tiết mới hơn khi xử sơ thẩm; bị cáo chưa khắc phục hậu quả nên không có căn cứ giảm hình phạt, giữ nguyên bản án tử hình.
Cùng với tình tiết về nhân thân, luật sư bào chữa cho bị cáo Quách Vân Loan đề nghị HĐXX xem xét mức án cải tạo không giam giữ, tù treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Luật sư liệt kê một loạt tình tiết giảm nhẹ, như: nhiều cống hiến, mắc bệnh hiểm nghèo… Thẩm phán Nguyễn Tuấn Anh, chủ tọa phiên tòa, khẳng định lập luận trên không phù hợp với quy định pháp luật. Hành vi của bị cáo Loan phạm vào tội "Tham ô tài sản", theo khoản 4, điều 353 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội liên tục, trong thời gian dài. Có chức vụ, quyền hạn, có năng lực nhận thức nhưng bị cáo thiếu tu dưỡng, rèn luyện. "Ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt không phù hợp với tình tiết khách quan trong vụ án; cũng như chưa cân xứng với tính chất, hậu quả của sự việc" - thẩm phán nhấn mạnh.
Ở cả 2 vụ án, HĐXX đều kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ vai trò của nhiều cá nhân có dấu hiệu nhận tiền từ hành vi tham ô, hướng dẫn bị cáo thực hiện hành vi phạm pháp… Như vậy, những vụ án tham ô sau khi xét xử vẫn chưa khép lại.
Tội phạm nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng
Theo nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Quang Lộc, Đảng và nhà nước luôn đề cao và thực hiện chính sách nhất quán chống tham ô, lãng phí, tham nhũng trong bộ máy công quyền. Chính sách nhất quán này được thể hiện trong pháp luật hình sự Việt Nam. Các hành vi tham ô, tham nhũng được coi là những tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Pháp luật hiện hành vẫn kế thừa các quy định về chống tham nhũng của những văn bản pháp luật trước đó. Căn cứ vào đó, tòa án đưa ra xét xử rất nhiều vụ án, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, giảm bớt tình trạng tham nhũng.
"Có ý kiến cho rằng pháp luật quy định chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh để trừng trị loại tội phạm này; việc điều tra, truy tố, xét xử chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Tôi cho rằng về cơ bản, các quy định BLHS đối với tội phạm về chức vụ (trong đó có tội "Tham ô tài sản") không phải là không đủ mạnh, đủ nghiêm để xử lý người phạm tội. Bởi khoản 4, điều 353, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội "Tham ô tài sản": Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỉ đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên. Cái còn lại là việc điều tra, truy tố và xét xử phải làm sao để thực sự đáp ứng được yêu cầu" - ông Nguyễn Quang Lộc nhận xét.
Bình luận (0)