Bên cạnh việc đề nghị truy tố ông Vũ Huy Hoàng (SN 1953, đã bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương), Phan Chí Dũng (SN 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương) cùng các đồng phạm, Bộ Công an cũng kiến nghị xử lý hàng loạt cán bộ và cựu cán bộ Tổng Công ty Sabeco.
Kiến nghị xử lý nhiều cá nhân
Cụ thể, Bộ Công an có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, đại diện vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco nói riêng và các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước thuộc Bộ Công Thương quản lý nói chung nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, phòng ngừa thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề nghị xem xét, xử lý về kỷ luật Đảng, chính quyền đối với các cá nhân gồm ông Cao Quốc Hưng (Thứ trưởng Bộ Công Thương), ông Phan Đăng Tuất (nguyên Chủ tịch HĐQT, Phụ trách Bộ phận Quản lý vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco), ông Võ Thanh Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Phụ trách Bộ phận Quản lý vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco).
Lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM. (Ảnh: Hoàng Triều)
Ngoài ra, Bộ Công an còn đề nghị xử lý đối với ông Nguyễn Minh An (nguyên Phó Tổng Giám đốc Sabeco); bà Phạm Thị Hồng Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sabeco), ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sabeco), ông Bùi Ngọc Hạnh (nguyên Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị Tổng Công ty Sabeco).
Vì sao kiến nghị xử lý thứ trưởng Cao Quốc Hưng?
Bộ Công an nhận định Bộ phận Quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco trình công văn đề nghị Bộ Công Thương giải thích về cơ sở pháp lý của việc thoái vốn và ý kiến về việc phê duyệt kết quả đấu giá; đồng thời xin ý kiến chỉ đạo cụ thể của Bộ Công Thương về việc phê duyệt kết quả đấu giá.
Lúc này, ông Cao Quốc Hưng đã căn cứ vào tham mưu của bị can Phan Chí Dũng, ký Công văn trả lời Sabeco rằng "Việc thực hiện đấu giá công khai giữa các cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl là phù hợp và đề nghị Bộ phận Quản lý vốn Nhà nước có ý kiến với HĐQT thực hiện các quy định của pháp luật để phê duyệt kết quả đấu giá theo thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước".
Từ đó, Sabeco làm căn cứ phê duyệt kết quả đấu giá và hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần. Hành vi trên của ông Cao Quốc Hưng có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015.
Hiện nay Bộ Công an đang truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa
Tuy nhiên, ông Cao Quốc Hưng được phân công phụ trách Tổng Công ty Sabeco thay bà Hồ Thị Kim Thoa (đã bỏ trốn) từ ngày 1-8-2016. Ông Cao Quốc Hưng chỉ ký cho ý kiến về trình tự, thủ tục thoái; không xem xét đến giá trị cổ phần để đấu giá đã được ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa phê duyệt từ trước.
Trước khi ký văn bản, ông Cao Quốc Hưng đã chỉ đạo Vụ Pháp chế, Vụ Công nghiệp nhẹ có báo cáo tham mưu chi tiết về căn cứ pháp lý thực hiện việc thoái vốn tại Công ty Sabeco Pearl không trái với các quy định của pháp luật và trước khi ký văn bản đã báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công Thương.
Do đó, Bộ Công an nhận thấy chưa có đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Cao Quốc Hưng về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm khắc kỷ luật Đảng, chính quyền.
Ai chịu trách nhiệm chính?
Năm 2008, Sabeco được UBND TP HCM giao khu đất 6.080 m2 ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) để triển khai dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, vốn đầu tư hơn 2.423 tỉ đồng. Sau đó, Sabeco thành lập Công ty Sabeco Pearl (Sabeco góp 26%) cùng 3 nhà đầu tư khác nhằm thực hiện dự án này, rồi tuyên bố thoái vốn vào năm 2016, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Căn cứ kết quả điều tra vụ án đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định: Ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng chịu trách nhiệm chính và xuyên suốt về những sai phạm trong việc chấp thuận cho Sabeco hợp tác đầu tư thành lập pháp nhân mới, và chấp thuận giá khởi điểm để thoái 26% vốn góp của Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl.
Bình luận (0)