Ngày 24-6, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức hội thảo tham vấn về sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.
Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh sau 10 năm thi hành, Luật Phòng chống tham nhũng (năm 2005) đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu…
Minh bạch tài sản được coi là “chìa khóa” trong công tác phòng chống tham nhũng được lãnh đạo của TTCP nhiều lần nhắc đến đã được xây dựng rõ ràng hơn trong dự luật. Dự thảo xác định rõ: Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm việc kê khai tài sản, thu nhập, quản lý và công khai bản kê khai, xác minh, giải trình, kết luận, xử lý vi phạm về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Về đối tượng kê khai, dự luật đã có sự điều chỉnh lớn gồm: tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Theo dự thảo, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Bên cạnh đó, để phù hợp với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước, dự thảo bổ sung cả những người làm việc trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Về hình thức và thời điểm kê khai, dự thảo đã bỏ quy định về kê khai hằng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Kê khai lần đầu được thực hiện với tất cả người có nghĩa vụ kê khai ngay sau khi luật sửa đổi có hiệu lực.
Còn việc kê khai bổ sung sẽ áp dụng đối với người đã kê khai lần đầu nhưng được dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khi có biến động về tài sản hoặc thu nhập tăng thêm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là có những quy định cụ thể về xử lý vi phạm về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý. Đặc biệt, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệch; hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý.
Trường hợp qua xác minh kết luận người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thì cũng khởi kiện vụ án dân sự theo pháp luật về tố tụng dân sự.
Bình luận (0)