icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỹ thuật ướp xác của người xưa: Điều bí ẩn

Nhóm PV VHVN

Theo tài liệu Sài Gòn - TPHCM 300 năm hình thành và phát triển của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, trong những lớp đất văn hóa cuối cùng của Gò Quéo thuộc hai phường Bình Trưng và Thạnh Mỹ Lợi của quận 2 - TPHCM, các nhà khảo cổ đã tìm thấy lần đầu tiên và chắc không phải lần cuối cùng, những công cụ của nền văn hóa Hòa Bình có niên đại cách nay từ 7- 8 ngàn năm trở lên.

Các nhà khảo cổ học rất đỗi ngạc nhiên khi ngôi mộ bà Nguyễn Thị Hiệu khu vực Xóm Cải, quận 5, TPHCM khai quật cách đây 10 năm, cho thấy xác ướp còn nguyên vẹn, hầu như các vật dụng tùy táng vẫn còn nguyên, kể cả đồ gấm tơ lụa. Các nhà khảo cổ cho biết khi nắp quan tài mở ra, một mùi hương đặc biệt xông lên, các vật dụng chôn theo cũng được tẩm loại hương đặc biệt này. Có thể chính hương liệu đặc biệt này được sử dụng như một chất diệt khuẩn và giữ cho thi thể người chết còn nguyên vẹn suốt hàng trăm năm.

Tương tự, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ngôi mộ cổ có xác ướp, mà người dân địa phương tự khai quật tại Hóc Môn, cũng được sử dụng một thứ hương liệu tự nhiên để ướp xác. Đáng tiếc là khi cơ quan chức năng biết được, tìm đến nơi thì nắp quan tài đã mở, người dân đã đưa đi chôn lại. Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Mý, Trưởng Ban Quản lý Di tích Danh lam Thắng cảnh TPHCM, cho biết ngoài một số hương liệu sử dụng khi tẩm liệm thi thể, trong quan tài còn có các bó lá cây bạch đàn kim, một loại lá có dầu có tính năng diệt khuẩn, ngăn ngừa côn trùng xâm hại.

Bịt kín quan tài, dùng hương liệu diệt khuẩn?.- Theo PGS-TS Đỗ Văn Ninh, nguyên Viện phó viện sử học VN, từ tục quàn xác trong nhà, người xưa đã tích lũy kinh nghiệm tiến tới tìm được một phương pháp chống sự tan rữa của xác. Tục quàn xác trong nhà một thời gian, có khi tới 2, 3 năm, là tục của nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á xưa, xuất phát từ việc chờ người thân ở xa về mới khâm liệm. Để chống lại mùi hôi thối bốc ra do sự tan rữa của xác chết, người ta thường giải quyết bằng cách thường xuyên quét sơn ngoài quan tài, dưới quan tài trát tro và tro liên tục được thay cho tới khi mang đi chôn.

Khi bệnh nhân còn hấp hối, người ta có thể đổ vào miệng, hoặc cho uống thuốc hồi dương (trong đó chủ yếu là nước quế), hoặc thuốc có pha rượu, cốt là để hồi sinh. Khi bệnh nhân chết rồi thì tắm rửa bằng nước thơm hoặc nước ngũ vị, nhằm rửa sạch những bụi trần của cuộc đời trần thế. Những cách đó đều có tác dụng đến việc sát trùng hoặc hạn chế sự phá hoại các vi khuẩn ở ruột hoặc ở cơ thể.

img
Xác ướp khai quật tại ngôi mộ cổ ở Hóc Môn - TPHCM. Ảnh: Tất Thắng

Trường hợp những ngôi mộ hợp chất (6 ngôi mộ đã khai quật ở TPHCM là mộ hợp chất), người ta giải quyết triệt để hơn, bằng cách tiêu diệt hết vi khuẩn trong quan tài và ngăn chặn những vi khuẩn khác nhập vào quan tài sau khi đã đóng kín.

Yếu tố tiên quyết trong việc giữ xác là quan tài; đó là chất liệu gỗ (thường là gỗ ngọc am, vùi lâu năm dưới đất không mục nát và vẫn thoang thoảng mùi thơm) và quan trọng hơn cả là cách gắn kín. Nguyên liệu gắn gỗ đặc biệt ở VN là sơn sống trộn mạt cưa và chất sơn mài quý giá. Sơn sống trộn mạt cưa gắn liền mọi khe hở của quan tài, các lượt sơn mài vít rất kín mọi lỗ hổng rất nhỏ của từng thớ gỗ, đồng thời tôn thêm vẻ đẹp của quan tài (sơn mài dùng ở ngôi mộ đường Nguyễn Tri Phương rất nhiều, kỹ càng và có kỹ thuật sơn đẹp nhất trong các ngôi mộ đã tìm thấy từ trước tới nay). Nhựa thông hoặc các hương liệu đổ vào quan tài vừa có tác dụng sát trùng, vừa tỏa ra mùi thơm có ích cho việc tang ma.

Hợp chất vôi cát trộn mật là một thành tựu quan trọng của kỹ thuật kiến trúc cổ. Dùng hợp chất này làm quách bọc ngoài quan tài có tác dụng chống lại sự thâm nhập của nước mưa, điều hòa được sự thay đổi bất thường có sức hủy hoại lớn của khí hậu nhiệt đới VN và cả sự phá hoại của con người. Tấm thất tinh 7 lỗ và lớp gạo, hoặc bã chè khô bên dưới xác là một cách kết hợp khéo léo giữa quan niệm số mệnh với việc bảo vệ xác. Với quan niệm về chức năng quản lý những người đã sang “thế giới bên kia” của ông Bắc Đẩu, người xưa khéo léo biến 7 ngôi sao trong chùm Bắc Đẩu thành 7 lỗ thoát nước để cho lượng nước tiết ra từ trong xác chết chảy xuống ngấm vào lớp gạo rang hoặc chè khô ở dưới (ở ngôi mộ trên đường Nguyễn Tri Phương, thay vì gạo rang, chè khô là một lớp hạt chưa xác định được). Theo PGS-TS Đỗ Văn Ninh, giá trị khoa học từ những ngôi mộ cổ là tất cả những di vật của mộ hợp chất, từ quách, quan đến đồ khâm liệm, quần áo và đồ chôn theo đều cung cấp những tư liệu chính xác để nghiên cứu một số mặt nào đó của xã hội thời chủ nhân ngôi mộ đang sống. Ví dụ, kiểu dáng quần áo là tư liệu có giá trị để ngành sân khấu, điện ảnh tái hiện chính xác lịch sử. Khổ vải, khổ gấm, hoa văn dệt trên gấm lụa cho phép người nghiên cứu lịch sử thủ công kết luận về trình độ làm các khung cửi và nghề dệt đương thời. Từ chiếc quạt giấy, túi thuốc, túi trầu cho tới cách bổ cau, têm trầu đều giúp ta tìm hiểu phong tục tập quán thời đó.

Tuy nhiên, những nhận định trên cũng chỉ là những suy luận ban đầu. Để giải mã về các xác ướp đã được tìm thấy đòi hỏi phải có công trình nghiên cứu khoa học thật sự. Những xác ướp còn nguyên vẹn, thậm chí còn nguyên tóc trên đầu, vẫn còn chứa nhiều điều bí ẩn.

Dấu tích của người Việt xưa.- Ở Gò Quéo (quận 2 - TPHCM), các nhà khảo cổ của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã tìm thấy một tổ hợp rìu đá có vai và không vai được mài đều khắp, cùng với đội xe chỉ bằng đất nung, vòng tay đá, hạt trang sức bằng đất và đá, dao đá có hai đầu cán... cộng với một bộ hiện vật bằng gốm làm bằng bàn xoay khá tinh tế (nồi, đĩa, bát, chậu...) và rất nhiều bi gốm mà hình dáng rất gần gũi với những hiện vật khảo cổ đã tìm thấy đó đây ở vùng Đông Nam Bộ có niên đại cách nay khoảng trên dưới 3.000 năm.

Nhưng lý thú hơn là tài liệu này đã xác định: những mảnh qua đồng, giáo đồng, chuông đồng đều còn nằm trong khuôn đất nung, được phát hiện ở trong lớp đất gần sát mặt giồng, với những hình dáng và hoa văn hoàn toàn thuộc nền văn hóa khảo cổ Đông Sơn. Đây là lần đầu tiên và chắc chắn không phải là lần cuối cùng, tổ tiên người Việt đã thật sự đặt chân đến vùng đất Nam Bộ, do những biến cố chính trị và quân sự ở vùng đất Hoa Nam, và Bắc VN thuở ấy. Các nhà khảo cổ xác định rằng trước khi nền văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng bao trùm lên đất Đông Nam Á vào những thập kỷ đầu của Công nguyên thì tổ tiên người Việt cũng đã từng đến mảnh đất phía Nam này và hòa mình vào công cuộc xây dựng cùng với các cộng đồng người khác. Một chỉ số niên đại cho thời điểm này là 2. 280 + 35 năm cách ngày nay, dựa trên kết quả phân tích bằng C14 một số mẫu than của khu vực tìm thấy các đồ đồng nói trên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo