Năm 1990, ông N.T.T (72 tuổi) mua hóa giá 3 gian nhà ở TP HCM. Sau khi hoàn tất thủ tục nhận 3 gian nhà, ông T. bán gian ngoài và gian trong cùng. Gian nhà ở giữa (diện tích khoảng 25 m2), ông khóa cửa từ năm 1993 đến nay. Không rõ từ khi nào, ông P.T.N (45 tuổi, cháu gọi ông T. bằng cậu ruột) tự ý chiếm dụng gian nhà giữa cùng phần sân phía trước. Muốn đòi lại nhà, ông T. phải kiện ra tòa.
Cậu đưa cháu ra tòa
Gian nhà giữa có 2 phòng cùng khuôn viên rộng hơn 2 gian nhà còn lại. Ông T. cho biết đó là lý do ông nhất quyết không sang nhượng, mà giữ làm tài sản dưỡng già. "Hồi đó, cha nó (cha ông N., cũng là em rể ông T.) nhiều lần thuyết phục tôi bán gian nhà giữa nhưng tôi không chịu. Khi chuyển nhà, tôi nhờ em gái (mẹ ông N. - PV) trông nom giúp mà thôi" - ông T. nhớ lại. Trong đơn kiện, ông T. đề nghị tòa án buộc ông N. trả lại tài sản đã chiếm dụng mấy chục năm nay.
Minh họa: KHỀU
Trái lại, ông N. khẳng định cậu ruột bán 2 gian nhà (giữa và trong cùng) cho cha ông từ năm 1992. Sau khi cha mất, ông N. nhận quyền thừa kế tài sản này. Cách đây nhiều năm, ông N. thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất có 2 gian nhà kể trên.
Ông nộp lên HĐXX giấy bán nhà được ông T. và cha ông N. xác lập, ký tên. Giấy bán nhà thể hiện nội dung ông T. bán 2 gian nhà cùng phần đất phía trước lẫn phía sau cho cha ông N. Giấy tờ có chứng thực từ chính quyền địa phương.
Tại tòa, cậu và cháu đều không hề tỏ ý muốn nhượng bộ. Những thành viên khác trong gia đình ngồi phía sau cũng như vậy. Năm người con ông T. cùng 3 người chị ruột của ông N. phân thành 2 chiến tuyến, không tiếc lời chỉ trích lẫn nhau.
HĐXX tuyên bố tạm dừng phiên tòa trong một tuần để thu thập thêm chứng cứ.
Phá bỏ tình thâm
Tòa án mở lại phiên xử, 2 đương sự tiếp tục tranh luận. Dưới phòng xử án, 2 phe không tiếc lời nói theo. Lúc chủ tọa yêu cầu giữ trật tự, họ mới tạm thời im lặng.
HĐXX công bố kết quả xác minh một số giấy tờ trong hồ sơ vụ kiện. Đối với giấy bán nhà do bị đơn cung cấp, cán bộ làm công tác chứng thực thời điểm đó xác định ông T. cùng em rể (cha ông N.) đến UBND phường trình bày việc mua bán giữa 2 bên. Đại diện cơ quan quản lý địa phương có ký, đóng dấu xác nhận vào văn bản trên. Chủ tọa phiên tòa cho biết tòa án cử cán bộ đi xác minh tính xác thực những giấy tờ liên quan trước thời điểm tranh chấp. Kết quả cho thấy khi lập văn bản, có lúc ông T. ký tên, có lúc ông T. nhờ người khác ký hộ.
Giải thích về việc này, nguyên đơn một mực cho rằng ông không biết chữ nên thường điểm chỉ vào giấy tờ. Ông T. khẳng định bản thân không ký tên vào giấy bán nhà nói trên.
Ngồi phía sau, con gái ông T. lớn tiếng nói: "Có kẻ giả chữ ký vì âm mưu chiếm không tài sản của ba tôi!".
"Giấy tờ giả hay thật có cơ quan pháp luật xem xét, không đến lượt mấy người lên tiếng ở đây!" - bị đơn đáp trả. Tiếng vỗ tay vang lên từ phía gia đình bị đơn.
Ở tòa, nguyên đơn khai báo thiếu thống nhất. Mới đầu, ông T. khai bán gian trong và gian ngoài cho 2 người khác; không bán gian nhà giữa. Sau đó, ông T. lại khai có bán gian nhà giữa, do người mua không trả tiền nên ông khởi kiện đòi lại. Kế đến, ông T. đổi lời khai giống ban đầu, chưa từng bán tài sản trên.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên bố không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Đọc xong bản án, chủ tọa thêm lời khuyên nhủ: "Khiếu kiện có thể kéo dài, 2 gia đình có thể kháng cáo hoặc theo kiện đến cùng. Dù vậy, thứ mọi người mất không chỉ là tài sản mà chính là tình ruột thịt. Tôi từng chứng kiến không ít đương sự hối hận sau những vụ kiện như vậy. Thắng kiện, rồi hân hoan cầm trên tay bản án nhưng thời gian dài kế tiếp, họ hối tiếc vì đánh mất tình thâm".
Lời khuyên chân tình ấy không được cả hai phía quan tâm, họ nhao nhao cãi nhau, bất chấp đang ở tòa.
Một lần nữa, đại diện VKSND đề nghị 2 bên tuân thủ nội quy phòng xử án. Ông nhắc nhở: "Đều là người thân của nhau, sao mọi người không nhường nhịn một chút? Thật ra, thắng hay thua kiện thì cả 2 bên đều mất mát cái quý nhất là tình máu mủ ruột rà".
Bị đơn có quyền sở hữu hợp pháp
Chủ tọa phân tích chuyển đến nơi khác sinh sống từ năm 1993, nguyên đơn không đăng ký, kê khai nhà đất nói trên. Trong khi, bị đơn có kê khai, đóng thuế và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 1996 đến nay, bị đơn xây dựng thêm và cư trú ổn định ở đây. Như vậy, pháp luật đủ căn cứ phân định căn nhà thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bị đơn.
Bình luận (0)