Trong thực tế hiện nay, có trường hợp tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người (khoản 3, điều 104 BLHS) nhưng tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng đổi tội danh thành “Giết người” (điều 93 BLHS). Cũng có trường hợp viện kiểm sát truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng tòa án hoàn trả hồ sơ để điều tra lại theo hướng đổi tội danh thành “Giết người”.
Tăng án, đổi tội danh
Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKSND, chuyển tội danh từ “Cố ý gây thương tích” sang “Giết người”, đồng thời tăng hình phạt đồng loạt 4 bị cáo trong vụ án. Cụ thể, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Sang (SN 1993, ngụ TP HCM) 14 năm tù (sơ thẩm 11 năm); Huỳnh Thanh Tâm (SN 1992, ngụ tỉnh Đồng Tháp), Bùi Quang Khải (SN 1988, ngụ tỉnh Long An) cùng mức án 10 năm (sơ thẩm 9 năm) và Nguyễn Văn Đạt (SN 1994, ngụ TP HCM) 8 năm tù (sơ thẩm 7 năm).
Theo bản án sơ thẩm, đêm 7-3-2011, Sang cùng đồng bọn đến quán gỏi vịt uống rượu thì thấy anh Cao Thanh Sơn đang ngồi nhậu tại đây. Do có mâu thuẫn từ trước nên Sang rủ Tâm đánh anh Sơn để trả thù. Dù được can ngăn, cả hai vẫn tiếp tục tấn công anh Sơn. Sau đó, Khải và Đạt cũng tham gia đánh nạn nhân. Sang đập đầu anh Sơn mấy cái xuống đường. Sau khi thấy anh Sơn bất tỉnh, Sang bế lên xe máy cùng Tâm chở về để trước cửa nhà. Kết quả giám định cho thấy anh Sơn chết do bị nứt xương sọ, xuất huyết dưới màng cứng vùng thái dương, dập não và xuất huyết trong, phù não nặng.
VKSND TP HCM truy tố Sang cùng đồng bọn về tội “Giết người” theo điểm n, khoản 1, điều 93 BLHS. Tháng 4-2013, TAND TP HCM xử sơ thẩm, nhận định các bị cáo không có ý định giết người vì đánh nạn nhân bằng tay chân nên chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người (khoản 3, điều 104 BLHS).
VKSND TP HCM kháng nghị bản án về phần tội danh lẫn mức hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND Tối cao và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đều cho rằng kháng nghị của VKSND TP HCM là có cơ sở. Trong vụ án này, dù các bị cáo không sử dụng hung khí nhưng hành vi thể hiện sự quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, bỏ mặc nạn nhân sau khi gây án. Hành vi trên đã thể hiện tính chất côn đồ, đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo không cố ý tước đoạt mạng sống nạn nhân, từ đó áp dụng tội danh và hình phạt không đúng.
Tòa trả hồ sơ, viện vẫn giữ quan điểm
Ngày 16-8-2013, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Luyện Danh Tâm (SN 1983, ngụ TP HCM) 14 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo hồ sơ vụ án, chiều 8-1-2012, sau khi sát phạt nhau tại một trường gà, nhóm ông M. cự cãi với một số người cùng chơi. Bênh vực nhóm ông M., Tâm xách 2 khẩu súng hoa cải ra bắn thẳng vào một người trong nhóm bên kia. Nạn nhân bị thương tật 39%. Tâm truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3, điều 104 (mức hình phạt từ 5 - 15 năm tù).
Ngày 27-3-2013, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau phần xét hỏi, HĐXX đã hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung vì nhận thấy hành vi của Tâm có dấu hiệu của tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Việc bị cáo nổ súng ở cự ly khoảng 16 m, khả năng sát thương rất cao. Vì vậy, viện kiểm sát truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” là chưa đúng.
Tuy nhiên, viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm, cho rằng nạn nhân chỉ bị bắn vào các phần mềm trên cơ thể, không nguy hiểm đến tính mạng nên không thể quy kết bị cáo phạm tội “Giết người”.
Do giới hạn xét xử, HĐXX phải xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích”, đồng thời kiến nghị TAND Tối cao xem xét lại việc truy tố của viện kiểm sát.
Phải xem xét toàn diện
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ án mà quan điểm về tội danh của các cơ quan tố tụng khác nhau. Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), điều quan trọng nhất hiện nay là phải có một văn bản hướng dẫn cụ thể từ TAND Tối cao để áp dụng chung. Bởi thực tiễn xét xử cho thấy trong nhiều vụ án, cơ quan tố tụng rất khó xác định chính xác mục đích, động cơ phạm tội; người phạm tội có thấy trước hậu quả chết người, mong muốn hay để mặc nó xảy ra hay không. Cũng không dễ có điều kiện xác định cụ thể những hành vi, tình tiết để chứng minh được ý thức của bị cáo...
Theo luật sư Quỳnh Thi, có 2 trường hợp rất dễ gây nhầm lẫn: Giết người chưa đạt với cố ý gây thương tích và giết người với cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Về mặt khách quan, giữa giết người chưa đạt với cố ý gây thương tích rất giống nhau. Tuy nhiên, về mặt chủ quan, giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn nạn nhân chết, hậu quả không xảy ra là ngoài ý muốn của họ. Trong khi cố ý gây thương tích thì người phạm tội chỉ muốn gây thương tích cho người khác chứ không muốn làm chết người.
Tương tự, hành vi giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người cũng phải phân tích mặt chủ quan để xác định. Các tình tiết khách quan được coi là phương pháp để xác định lỗi chủ quan của người gây án. Chẳng hạn như dùng vật gì phạm tội, mức độ nguy hiểm của vật đó ra sao, cách thức thực hiện tội phạm... Cần phải kết hợp những tình tiết đó với những tình tiết khác như trình độ nhận thức, tuổi tác của người phạm tội và nạn nhân, quan hệ giữa họ...
Nhiều hệ lụy
Luật sư Quỳnh Thi cho rằng việc xác định sai tội “Giết người” với “Cố ý gây thương tích” gây nhiều hệ lụy lớn. Trước hết, bản án có thể bị hủy để điều tra, xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, quá trình giải quyết án sẽ bị kéo dài. Bên cạnh đó, một người có thể bị tội nặng hơn hoặc lọt người, lọt tội. Thậm chí, có trường hợp nếu xác định là hành vi giết người, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng nếu xác định là cố ý gây thương tích thì người phạm tội thoát tội vì chưa đủ tuổi. Đó là chưa kể nhiều trường hợp chuyển từ tội “Giết người” sang “Cố ý gây thương tích”, nếu chỉ đủ cơ sở để xét xử theo khoản 1, điều 104 BLHS thì lại vướng thủ tục là chỉ được khởi tố theo yêu cầu của nạn nhân.
Bình luận (0)