Qua kiểm tra công tác khám, chữa bệnh BHYT tại Phòng khám Đa khoa khu vực Vĩnh Bình, BHXH tỉnh An Giang đã phát hiện 6 hồ sơ bệnh án giả không có người bệnh do phòng khám tự tạo ra để thanh toán tiền bảo hiểm, 48/96 hồ sơ được lập khống tạo ra kết quả xét nghiệm giả để thanh toán BHYT và BHXH. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều vi phạm về thủ tục hành chính trong hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT, như: tẩy, sửa số liệu cho thuốc trong bệnh án; phiếu nhận thuốc không có chữ ký của người bệnh; sổ sách theo dõi không khớp, không đúng; chỉ định thuốc điều trị một số trường hợp không hợp lý...
Ông Bùi Tôn, Phó Giám đốc BHXH An Giang, cho biết cơ quan này đã xuất toán, thu hồi các chi phí do lập hồ sơ khống thanh toán khám, chữa bệnh BHYT; không công nhận quyết toán khám, chữa bệnh BHYT tại Phòng khám Đa khoa khu vực Vĩnh Bình 6 tháng đầu năm 2009. “Đó là xử lý bước đầu, hiện BHXH An Giang đang kiểm tra toàn bộ hồ sơ, chi phí khám, chữa bệnh BHYT 6 tháng đầu năm của Phòng khám Đa khoa khu vực Vĩnh Bình. Sai phạm đến đâu chúng tôi kiên quyết xử lý đến đó”- ông Tôn khẳng định.
Ông Bùi Tôn cho biết đây là lần đầu tiên BHXH tỉnh phát hiện sai phạm trong khám, chữa bệnh BHYT nghiêm trọng đến như vậy. Cũng theo ông Tôn, qua công tác xuất toán ngẫu nhiên hằng quý đều phát hiện có sai sót trong khám, chữa bệnh BHYT, nhưng mức độ không nghiêm trọng, chủ yếu là do chưa nắm rõ quy định, thủ tục...
Ngoài ra, theo một cán bộ BHXH tỉnh An Giang, sai phạm thường xuyên nhất trong khám, chữa bệnh BHYT là việc lạm dụng và sai đối tượng. “Có một số trường hợp đau chân bình thường cũng được chụp CT-Scanner với giá dịch vụ rất cao”- cán bộ này cho biết. Theo ông Tôn, ngoài việc giá thuốc, giá dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh tăng cao, những sai phạm trên là nguyên nhân làm cho BHYT mỗi năm đều bị lỗ.
Liên quan đến những sai phạm trong khám, chữa bệnh BHYT tại Phòng khám Đa khoa khu vực Vĩnh Bình, Sở Y tế tỉnh An Giang đã kỷ luật 4 cán bộ, trong đó có trưởng phòng khám này.
Vụ “rút ruột” thuốc BHYT tại Tiền Giang Thuốc bị “rút ruột” được tiêu thụ ở một phòng mạch? Liên quan đến vụ “rút ruột” thuốc BHYT xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang, ngày 15-9, nguồn tin của Báo NLĐ cho biết một số lượng lớn thuốc tiểu đường mà các nhân viên “rút ruột” được đưa ra phòng mạch của bác sĩ H.D để tiêu thụ. Đường dây “rút ruột” thuốc BHYT có hai bác sĩ và hai điều dưỡng tham gia. Đó là bác sĩ H.D, bác sĩ Th., điều dưỡng N. và điều dưỡng K.T, tất cả đều công tác tại Khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang. M. Sơn |
Bình luận (0)