Xử sơ thẩm mới đây, TAND tỉnh Lâm Đồng phạt bị cáo Phan Thị Thanh Tuyền (SN 1978) 14 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vụ án khởi nguồn từ quan hệ vay tiền trong thời gian dài giữa bị cáo với bị hại. Trước lúc tòa tuyên án, cơ quan công tố cùng luật sư bào chữa tranh tụng gay gắt về căn cứ xử lý hình sự đối với bị cáo.
Tranh luận gay cấn về chứng cứ buộc tội
Giai đoạn 2007-2013, Phan Thị Thanh Tuyền cùng chồng là Nguyễn Nghĩa nhiều lần vay tiền bà Đinh Thị Thanh Thúy. Lúc vay, Tuyền có giao một số giấy tờ đất cho bà Thúy để làm tin. Cuối năm 2013, dù nợ khoảng 6 tỉ đồng nhưng Tuyền hết khả năng trả nợ. Vì vậy, bị cáo đưa ra thông tin làm dự án trên mảnh đất do ông Nguyễn Nghĩa là chủ sở hữu.
Thực tế, ông Nghĩa đã bán hết đất. Biết chuyện đất đã bán nhưng Tuyền vẫn nói chồng ký tên, điểm chỉ vào "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất" với nội dung chuyển nhượng 3 mảnh đất có tổng diện tích hơn 2.500 m2 (ông Nghĩa đứng tên) cho bà Thúy.
Phiên tòa xét xử nguyên bí thư thị ủy Bến Cát
Đồng ý giải pháp lấy đất cấn nợ, bà Thúy ký tên rồi giao Tuyền lo phần thủ tục công chứng, sang tên. Sau đó, bà Thúy nhiều lần đưa thêm tiền thông qua hình thức Tuyền viết giấy mượn tiền. Tổng cộng, Tuyền viết 13 giấy, mượn hơn 3,8 tỉ đồng.
Đại diện VKSND tỉnh Lâm Đồng kết luận bị cáo có hành vi gian dối khi sử dụng hợp đồng chuyển nhượng đất nhằm hoàn trả những khoản nợ trước đó và vay thêm tiền. Còn luật sư bào chữa cho rằng vụ án có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự. Bởi việc vay mượn giữa hai bên diễn ra trong thời gian dài (khoảng 8 năm). "Bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tiền vay. Đó là giao dịch dân sự vì hai bên tự nguyện hoàn toàn" - luật sư nhấn mạnh.
Không chỉ vụ án vay mượn tiền, những vụ sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước cũng khó tránh nảy sinh tranh cãi về vấn đề trên. Điển hình có vụ án xảy ra ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Cùng phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí", Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát) và Nguyễn Huy Hùng (nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn), Nguyễn Quang Lộc (cấp dưới của Hùng) bị phạt lần lượt 10, 12, 11 năm tù.
Bản án cáo buộc giai đoạn 2005 - 2008, bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty An Tây) vay BIDV Tây Sài Gòn 72 tỉ đồng với tài sản thế chấp là 20 ha đất, nhà xưởng (trị giá 80 tỉ đồng). Năm 2008, ngân hàng bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Hùng và Lộc tự ý giao lại tài sản cho bà Hiệp tự bán. Người mua khối tài sản là ông Khanh. Theo thỏa thuận giữa các bên, bà Hiệp nhận một khoản tiền mặt từ việc bán tài sản bảo đảm.
Đại diện VKSND kết luận Khanh giúp 2 bị cáo còn lại mua bán tài sản bảo đảm trái pháp luật. Trái lại, luật sư bào chữa khẳng định cơ quan công tố hình sự hóa quan hệ dân sự. Việc mua bán giữa bị cáo Khanh và bà Hiệp là quan hệ dân sự được pháp luật công nhận.
Hình sự hóa quan hệ dân sự, khó xảy ra?
Đa phần những vụ án có tính chất như vậy, tòa án thường đưa ra căn cứ bảo vệ quan điểm xử lý hình sự như cơ quan công tố đề nghị.
Về vụ án mà nguyên bí thư thị ủy Bến Cát vướng vòng lao lý, TAND tỉnh Bình Dương kết luận 3 bị cáo thông đồng bán tài sản bảo đảm trái quy định, ảnh hưởng tới lợi ích nhà nước. Trong đó, Hùng, Lộc giữ vai trò chính, Khanh là đồng phạm giúp sức. Cơ quan xét xử chỉ rõ một số bằng chứng có khả năng "lật đổ" lập luận hình sự hóa quan hệ dân sự. Cụ thể, hợp đồng ký giữ ba bên, lời khai tại tòa thể hiện việc các bị cáo có sự thông đồng với nhau. Đó là những bằng chứng chứng minh 3 bị cáo cố tình hợp sức mua bán tài sản thế chấp sai quy định, nghĩa là giao dịch mua bán giữa ông Khanh với bà Hiệp không đơn thuần là quan hệ dân sự đúng pháp luật.
Tương tự, thẩm phán Nguyễn Văn Bỉnh (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Phan Thị Thanh Tuyền lừa đảo chiếm đoạt tài sản) nhận định bị cáo Tuyền không thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận bị cáo chính là người viết và ký tên trên 13 giấy vay tiền. Ngoài ra, lời khai các bên, biên bản hỏi cung, biên bản đối chất cũng là căn cứ chứng minh bị cáo có hành vi phạm tội như cáo trạng thể hiện.
Năm 2017, VKSND tỉnh Lâm Đồng từng đề nghị công an tỉnh hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Thị Thanh Tuyền. Căn cứ hồ sơ, VKSND tỉnh Lâm Đồng nhận thấy việc vay mượn giữa Tuyền với bà Thúy diễn ra 57 lần - trong thời gian dài. Hai bên có vay, có trả; việc vay mượn tiền có trả lãi cao. Trong một số lần vay, người vay có đưa thông tin không chính xác về mục đích vay. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa làm rõ ý thức chiếm đoạt tiền của Tuyền…
Luật sư Phạm Văn Hoàng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo phân tích khoa học về cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt. Kế đến, thủ đoạn gian dối luôn có trước khi giao dịch giữa người bị hại với người phạm tội diễn ra. Cơ quan pháp luật cần căn cứ mấu chốt trên trong quá trình điều tra, làm rõ vụ việc. Một số trường hợp, hành vi gian dối có thể xảy ra, nhưng đó có thể là hành vi gian dối trong giao dịch dân sự.
Có dấu hiệu lọt người phạm tội
VKSND Cấp cao tại TP HCM vừa quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án Phan Thị Thanh Tuyền lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì nhận thấy ông Nguyễn Nghĩa - chồng bị cáo Tuyền - có dấu hiệu phạm tội với vai trò giúp sức. Cụ thể, ông Nghĩa ký hợp đồng chuyển nhượng 3 thửa đất cho người khác nhưng vẫn tiếp tục cùng bị cáo Tuyền ký hợp đồng chuyển nhượng 3 tài sản trên cho bà Thúy.
Bình luận (0)