Du khách đông ta cứ vô tư tăng giá vé
Từ sáng sớm chúng tôi đã có mặt ở Yên Tử, thời điểm này, điểm thắng cảnh nổi tiếng ở vùng Đông Bắc với điển tích vua Trần Nhân Tông quy y cửa Phật và khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm này đang vào mùa lễ hội. Một rừng ô tô, xe máy từ miền Nam, miền Trung ra, miền núi xuống và đủ các tỉnh thành phía Bắc đỗ đầy dưới chân núi. Yên Tử đã có phương tiện cáp treo để lên chùa Hoa Hiên, điểm giữa của đoạn đường 1.800 m lên đỉnh núi, nơi có chùa Đồng, điểm duy nhất trên mặt đất có thể nhìn thấy toàn cảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao vào những hôm trời quang. Tuy nhiên, do lượng khách quá tải, rất nhiều du khách đã quyết định đi bằng đường bộ vì xếp hàng đến lượt đi bằng cáp treo chắc phải đến tối. Nhiều du khách đã mua vé nhưng không đủ kiên nhẫn đã phải trả lại vé đi cáp treo để đi “cáp chân” cho nhanh.
Để giữ sức cho đoạn đường dốc, khó khăn từ Hoa Hiên lên chùa Đồng, đoàn chúng tôi vẫn quyết định đi bằng cáp treo. Tuy nhiên, điều đáng nói là tấm vé cáp treo của Công ty Tùng Lâm, đơn vị đầu tư khai thác dịch vụ này cho thấy rất rõ giá in ban đầu là 35.000 đồng/vé đã được in đè bằng dấu mực xanh thành 45.000 đồng/vé. Chưa dừng lại ở đó, nhà cung cấp độc quyền một lần nữa đã tự ý tăng giá một lần nữa với con số 50.000 đồng bằng mực đỏ nằm bên cạnh giá cũ. Được biết, việc định gá vé dịch vụ cáp treo ở đây còn có sự đồng ý của Sở Tài chính Vật giá Quảng Ninh chứ không phải do sự tùy tiện của chủ đầu tư. Việc tăng giá ngẫu hứng này của Công ty Tùng Lâm cho thấy kiểu làm ăn chụp dựt vẫn thường xuất hiện ở nhiều điểm thắng cảnh hiện nay. Sự bực bội của chúng tôi không chỉ có vậy, sau gần 1 giờ đồng hồ đứng chôn chân đợi chúng tôi cũng được lên ca bin. Sau khi bị đẩy vào ca bin, du khách lại rơi vào hoàn cảnh nơm nớp lo sợ có thể bị rơi xuống rừng cây, vách núi dưới chân bất cứ lúc nào. Theo thiết kế một ca bin chỉ chứa tối đa là 6 người nhưng lúc này ở xung quanh tôi là 7 người lớn khác. Với cảnh chen chúc, du khách không chỉ bị đẩy vào tình cảnh lo sợ mà bị tước luôn quyền được ngắm cảnh từ trên cao mà lẽ ra họ đáng được hưởng. Một du khách đứng tuổi đứng cạnh tôi lo lắng buột miệng: “Quá người như vậy liệu có rơi không nhỉ?”. Câu hỏi của người khách rơi tõm vào không trung vì những người xung quanh sợ quá không thể bật thành lời còn những người có trách nhiệm tất nhiên là “ngậm miệng... ăn tiền”.
Và kiểu làm ăn chụp dựt, bắt chẹt khách
Đến giờ nghì chưa, chúng tôi tìm được một quán ăn dưới chân núi, bà chủ quán hất hàm hỏi: “Ăn gì thì gọi nhanh lên, còn lấy chỗ cho đoàn khác vào!”. Chúng tôi chưa kịp gọi đồ ăn, bà chủ hách dịch đã rao giá: gà ta 150 ngàn đồng/con, thịt bê xào rau 70 ngàn đồng/đĩa, măng trúc xào chay 40 ngàn đồng/đĩa, đậu phụ sốt cà chua 30 ngàn đồng/bát ... Trong khi đó, với con gà trên 1 kg có giá chưa tới 100.000 đồng, còn măng trúc khoảng 10.000 đồng. Tôi thắc mắc sao giá lại đắt thế thì bà chủ quán quayy lại quắc mắc nói: “Đắt thế, ăn thì không ăn thì đi chỗ khác”. Bụng đã đói và chúng tôi cũng như nhiều du khách đành phải ăn với giá cắt cổ.
Không chỉ chuyện ăn, đến chuyên nghỉ, du khách lại phải chịu cảnh “cắt cổ” lần nữa với giá thuê 100.000 đồng/1 chiếu, nghỉ 10 phút cũng như 1 tiếng. Nhưng có một điểm đáng lên án, là rất nhiều du khách đã bị mắc lỡm những người cho thuê đĩa để bày đồ lễ. Chị Nguyễn Thị Hoa (Đống Đa, Hà Nội ) bức xúc kể: “Tôi đặt 50.000 đồng để thuê 2 cái đĩa nhựa trị giá vài nghìn đồng, đến khi ra trả nhà chủ nằng nặc không chịu nhận và bảo không phải đĩa của họ, đúng là kiểu kiếm tiền bất chấp thủ đoạn”.
Khắp nơi, dưới chân du khách là rác thải
Công bằng mà nói là ở Yên Tử cũng có một số thùng rác công cộng nhưng do lượng khách quá đông, cộng thêm sự thiếu ý thức của nhiều người và sự “bận rộn” với các công việc có tiền hơn của nhân viên quản lý di tích nên cả vùng núi Yên Tử chỗ nào có dấu chân người là ở đó tràn ngập rác thải đủ loại (lon bia, vỏ chai, lá bánh...) từ bãi gửi xe đến suối giải oan, đền trình, chùa Hoa Hiên, rừng trúc, chùa Đồng. Đường nhỏ, lại thêm đông người, quãng đường lên núi như kéo dài ra và hậu quả là hai bên đường trở thành nhà vệ sinh bất đắc dĩ và mùi xú uế nồng nặc. Bác Loan, người trong đoàn chúng tôi than thở: “Đi lễ Phật mà phóng uế bừa bãi thế này, phải tội chết nhưng biết làm sao được khi tắc đường mà nàh vế sinh thì ở xa thế”.
Người đi lễ hội không ít thì nhiều sẽ mua măng trúc, một sản vật của núi Yên Tử về làm quà và thưởng thức. Măng được bán với giá từ 400 đồng/ngọn đến 1.000 đồng/ngọn. Do vậy, ở tất cả các điểm dừng chân của du khách, măng trúc được bày bán tràn lan. Chị Lan ở thị xã Uông Bí, mỗi dịp lễ hội lại lên Yên Tử bán măng trúc cho du khách bộc bạch: “Măng trúc chủ yếu lấy ở trong rừng trúc Yên Tử, chỉ có số ít được mang từ huyện Lục Nam, Bắc Giang sang. Chục năm trước đây, măng nhiều lắm, giờ thì chẳng còn mấy”. Và hậu quả là chẳng còn bao lâu nữa, du khách đến Yên Tử chắc phải than trời “Yên Tử rừng trúc còn đâu”.
Bình luận (0)