Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 12 - 1, thẩm phán Thân Quốc Hùng, Phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Bắc Giang, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án Lê Văn Luyện, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích, Tòa Hình sự, TAND tỉnh Bắc Giang xác định: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận.
Còn nhiều nghi vấn
Các luật sư đại diện cho bên bị hại trong vụ án Lê Văn Luyện cho biết đang làm việc với gia đình nạn nhân, tiến hành các thủ tục cần thiết để kháng cáo lên cấp cao hơn nhằm làm sáng tỏ nhiều vấn đề chưa rõ trong phiên sơ thẩm vừa rồi.
Theo luật sư Trần Chí Thanh (Văn phòng Luật sư Tâm Đức), cháu Trịnh Thị Bích, con chủ tiệm vàng Ngọc Bích và là nhân chứng duy nhất của vụ án, kể đã thấy 2 thanh niên trong tiệm vàng Ngọc Bích lúc xảy ra vụ thảm sát là có thể tin cậy.
Bị cáo Lê Văn Luyện (trái) tại phiên tòa sơ thẩm
Mặt khác, Luyện khai khi xuống tầng 1 của căn nhà, Luyện lấy đèn pin soi tủ trưng bày vàng và thấy tủ khóa. Vậy tại sao hệ thống camera của tiệm vàng lại không có hình ảnh của Luyện? Luật sư Thanh phân tích: “Việc Luyện đột nhập, sát hại các nạn nhân, cướp vàng rồi thoát ra, sau đó xử lý vết thương rất thành thục và bình tĩnh là khác với tâm lý tội phạm thông thường”.
Tại phiên xét xử, ông Trịnh Văn Tín, ông nội cháu Bích, cũng đặt nghi vấn: “Vết thương hình móng ngựa (trên thi thể nạn nhân – PV) là do hung khí gì gây ra? Đó là đục mộng của thợ mộc hay là do móng tay Luyện gây ra? Vết thương có kích thước 1,5 cm x 4 cm là khá lớn nên không thể do móng tay gây ra. Luyện không thể “3 đầu, 6 tay” để một mình gây án, giết từng đó người”.
Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Huỳnh (Văn phòng Luật sư Tâm Đức) tỏ ra bất đồng với việc thực nghiệm hiện trường mà thiếu đối tượng chính là Luyện. Theo luật sư Huỳnh, việc thực nghiệm hiện trường phải có sự chứng kiến của bị can, người bị hại, người làm chứng. Bên cạnh đó, trong lần thực nghiệm hiện trường, cơ quan CSĐT để một phó công an phường có vóc dáng giống Luyện “diễn” lại việc leo vào và thoát khỏi tiệm vàng là chưa khách quan. Giả sử người “đóng thế” leo cây giỏi thì dễ dàng leo lên được ban công tầng 3 của tiệm vàng rồi cạy cửa đột nhập sẽ khác với việc Luyện phải nhờ đồng bọn hoặc các phương tiện khác.
Dù vậy, hai luật sư bảo vệ cho bị hại đều không phản đối mức án mà tòa tuyên Lê Văn Luyện là 18 năm tù.
Thực nghiệm hiện trường đúng pháp luật
Cùng ngày, đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, Trưởng Ban Chuyên án vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích, bày tỏ bất đồng với quan điểm của các luật sư bên bị hại. Theo đại tá Dư, điều 153 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định việc thực nghiệm hiện trường không nhất thiết phải có sự tham gia của người bị hại, bị can, luật sư… Vì vậy, việc thực nghiệm hiện trường vụ án, CQĐT đã thực hiện đúng quy định pháp luật.
“Có những vụ cơ quan CSĐT mời luật sư tham gia nhưng cũng có những vụ không cần thiết phải có luật sư. Vả lại, không nhất thiết vụ nào cũng phải dựng lại hiện trường nếu đã đủ căn cứ khẳng định tội phạm. Cơ quan CSĐT xét thấy không cần thiết phải dựng lại toàn bộ hiện trường vì còn phải giữ an toàn cho bị cáo trước bức xúc của người dân” - đại tá Dư giải thích.
Cũng theo đại tá Dư, vụ án này không chỉ có Ban Chuyên án của Công an tỉnh Bắc Giang với sự chỉ đạo của Bộ Công an mà còn có sự tham gia của cơ quan chuyên môn Bộ Công an như Viện Khoa học - Kỹ thuật hình sự. Vì thế, việc khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm hiện trường được tiến hành rất khách quan, thận trọng theo đúng pháp luật.
Trước nghi vấn có đồng phạm với Luyện mà các luật sư nêu ra tại tòa, thẩm phán Thân Quốc Hùng cho biết từ công tác điều tra, tài liệu khám nghiệm hiện trường cho đến kết quả giám định vân tay, vân chân, vết máu… liên quan đều khẳng định chưa có căn cứ để xác định có hung thủ thứ hai.
Về việc gia đình nạn nhân đề nghị làm rõ chiếc túi xách đựng vàng và tiền của vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích, thẩm phán Hùng cho rằng tại phiên tòa, đại diện gia đình cũng chỉ cho biết trong những lần đến chơi, họ thấy vợ chồng chủ tiệm vàng có chiếc túi như vậy nhưng không chứng minh chiếc túi ấy có thật và có chứa tiền và vàng nên không đủ căn cứ để xem xét.
Không bị áp lực khi xét xử Theo thẩm phán Thân Quốc Hùng, không chỉ ông mà TAND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng liên quan lo lắng nhất là sự bức xúc của người nhà nạn nhân cùng người dân địa phương. Vì vậy, trước ngày xét xử vụ án Lê Văn Luyện, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đã triệu tập cuộc họp liên ngành và giao cơ quan công an bảo đảm an ninh cho phiên tòa. Trong phiên tòa, HĐXX không phải chịu một áp lực nào. Cũng theo nhận định của thẩm phán Hùng, sở dĩ nhiều người căm phẫn, bức xúc vì khi gây án, Luyện chưa đủ 18 tuổi và mức án cao nhất dành cho Luyện sẽ không quá 18 năm tù, quá nhẹ so với tội ác mà y gây ra. Gia đình nạn nhân muốn tìm ra đồng phạm với Luyện để tội ác phải trả giá và nỗi đau của họ vơi bớt. Tuy nhiên, mọi phán quyết phải có căn cứ theo pháp luật.
Bình luận (0)