Sáng nay 2-6, bước sang ngày thứ 11 phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi toà nghỉ nghị án để tuyên án vào ngày 9-6 theo dự kiến.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã có lời nói cuối cùng dài 1 giờ với nhiều nội dung liên quan và không liên quan đến vụ án.
Trong lời nói cuối cùng, bị cáo Kiên điềm đạm hơn, chậm rãi hơn và có lúc kìm nén xúc động khi nói về gia đình.
Bị cáo cảm ơn những người bạn, người thân đã giúp đỡ, động viên giúp đỡ gia đình trong suốt 21 tháng qua. “Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi cần giúp đỡ của bạn bè, người thân giúp vợ tôi qua khó khăn giai đoạn này” - bị cáo nói.
Bầu Kiên cũng bày tỏ xin lỗi câu lạc bộ ACB Hà Nội vì bị bắt nên không duy trì CLB được nhưng đã yêu cầu vợ tiếp tục duy trì đội bóng trẻ để lúc nào đội bóng được xây dựng lại.
Bị cáo cũng nói đến ước vọng của mình: “Đề nghị các đồng nghiệp của tôi tại Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp (VFF) tiếp tục làm những gì chúng tôi đã bàn bạc trước đây. Để trước khi nhắm mắt xuôi tay, tôi được nhìn thấy đội tuyển Việt Nam vào World Cup, đây là tâm nguyện lớn nhất của đời tôi” - bầu Kiên nói về niềm đam mê cả đời của mình với bóng đá.
Bầu Kiên cũng cảm ơn khách hàng của ACB đã gắn bó với ngân hàng, đồng thời xin lỗi các cổ đông nhỏ bị thiệt hại do ngân hàng siết nợ sau khi bầu Kiên bị bắt. “Tôi đã yêu cầu vợ và con không bao giờ được bán cổ phần ở ACB để góp phần xây dựng đất nước. Tôi có niềm tin mãnh liệt ACB không bao giờ kiện tôi. Họ hiểu tôi, hiểu những đóng góp của tôi trong ACB trong hơn 20 năm qua” - bầu Kiên nói.
Các bị cáo trong phiên tòa sáng 2-6
Bầu Kiên nói rằng dù biết trước có tin bị bắt song đã không bỏ chạy, không trốn tránh. Sau khi bị bắt đã dặn vợ không bao giờ được “chạy án”, không được gặp bất kỳ ai để "xin xỏ" việc này vì có thể ảnh hưởng tới các vị lãnh đạo.
Nói về công trạng của mình, bầu Kiên cho hay: “Khi còn rất trẻ, đầu những năm 90, tôi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao một số nhiệm vụ rất khó khăn vì tôi có những quan hệ rất tình cờ với nước Nga. Ngoài ra, bị cáo cũng có đóng góp trong việc xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Tổng Công ty May Việt Nam".
Bị cáo cũng trần tình: “Cơ quan điều tra nói rằng tôi có ý định thâu tóm hệ thống ngân hàng, lũng đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng vào những năm mà thị trường chứng khoán Việt Nam mới bắt đầu, có rất nhiều kẽ hở. Tôi biết rất nhiều, có thể kiếm được tiền nhưng tôi không làm”.
Bị cáo cho biết đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản với cơ quan chức năng, tham mưu cho Chính phủ để giúp ổn định thị trường chứng khoán, chấn chỉnh hoạt động ngân hàng.
Là người hoạt động lâu năm trong ngành ngân hàng, bị cáo tiếp tục kiến nghị 3 việc liên quan đến ngành ngân hàng: “Việc sắp xếp lại các ngân hàng Thương mại cổ phần không phải là số học, không phải cộng các ngân hàng yếu thì thành ngân hàng mạnh mà dùng phương pháp dùng ngân hàng mẹ - tức ngân hàng mạnh - kèm ngân hàng yếu vì đó là phương phướng hiệu quả”. Bị cáo cũng cảnh báo trong số các ngân hàng Thương mại cổ phần có những ngân hàng gây nguy hiểm cho Ngân hàng Nhà nước, trong đó có Vietinbank.
Ngoài việc không nhận 4 tội danh truy tố, bầu Kiên còn nêu đích danh một số lãnh đạo, cán bộ điều tra của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) vì cho rằng đã làm sai lệch hồ sơ vụ án. “Nói ra điều này, tôi đặt gia đình tôi vào sự nguy hiểm song tôi tin vào pháp luật, vào người dân Việt Nam” - bầu Kiên tiếp tục.
Bầu Kiên cũng đề nghị các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ xem xét lại vụ án một cách toàn diện để vụ án tránh bị làm oan. “Tôi đề nghị HĐXX nếu chưa có đầy đủ thời gian, chưa có đầy đủ tài liệu, chứng cứ thì đừng tuyên án vào ngày 5-6. Tôi cho rằng, nếu vẫn tuyên vào ngày 5-6 thì đây là bản án đã được định trước, gây tù oan nghiệt cho chúng tôi” - bầu Kiên nêu lý do.
Bị cáo tiếp tục: “Đề nghị HĐXX kiên nhẫn chờ sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để giúp tôi nhận đầy đủ quyền công đân một cách hợp pháp.
Ngoài ra, bầu Kiên cũng đề nghị HĐXX cho bị cáo được tại ngoại đến khi thi hành án để chữa bệnh. Mặt khác, xem xét lại việc phong toả tài sản của tôi và gia đình. “Đây là tài sản mồ hôi nước mắt của tôi trong 30 năm qua. Nếu như có phát sinh nghĩa vụ dân sự thì công ty B&B có đầy đủ tư cách pháp nhân để giải quyết”.
“Tất cả những điều tôi nói hôm nay là của một công dân tuân thủ pháp luật, đã có những đóng góp cho Nhà nước này, một công dân đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đóng rất nhiều thuế cho Nhà nước. Tôi tin tưởng vào đất nước này, vào 90 triệu dân Việt Nam. Tôi yêu đất nước này” - bầu Kiên nói những lời sau cùng.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Lý Xuân Hải, ngoài nói về điều mà bị cáo này cho là nỗi oan ức khi bị khởi tố, bắt giam còn nói rằng, việc điều tra, tố tụng có những thứ không đúng quy trình pháp luật. Bị cáo Hải cũng nói về bị cáo Trần Xuân Giá rằng ông Giá khi về làm ACB đã từ chối một nơi lương cao gấp 3 lần ACB vì chỉ muốn xây dựng một ngân hàng lớn mạnh. “Ông nói với tôi rất nhiều lần là quyền chức ở ACB không là gì, tiền bạc cũng không làm gì. Hai chú cháu thống nhất phải cái gì đúng mới làm, sai không được làm. Dưới một người lãnh đạo như vậy, tôi không có lương tâm nào làm trái” - Lý Xuân Hải trần tình.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh cũng nói những ngày qua thực sự là chuỗi ngày đắng cay. “Tuy nhiên trong quá trình điều tra và tố tụng thì hầu hết chỉ coi trọng những chứng cứ, luận cứ để buộc tội tôi, làm sao để buộc được tội tôi có hành vi lừa đảo chiếm đoạt. Còn những luận cứ, chứng cứ để minh chứng cho tôi vô tội thì không được coi trọng” - bị cáo kiến nghị.
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến cũng cho biết, khi bước chân vào trại giam là lúc bố bị ốm đau, con thơ đến tuổi trưởng thành. “Phải đứng trước vành móng ngựa là điều cay đắng nhất trong cuộc đời tôi” - bị cáo khóc. Bị cáo xin được xem xét mức án nhẹ nhất để về chăm gia đình.
Bị cáo Trịnh Kim Quang cho biết, sống trong một gia đình cách mạng và nỗ lực về truyền thống của gia đình, bị cáo không cố ý làm trái quy định của pháp luật. Bị cáo Quang nói mình đang bị bệnh nên khẩn cầu HĐXX có căn cứ xác định rằng, Quang không Cố ý làm trái thì có phán quyết công bằng thì cho bị cáo cơ hội có đóng góp hữu ích cho xã hội.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ cho rằng, trong quá trình điều tra, bị cáo đã rất thành khẩn. Nói về ACB, bị cáo Kỳ nói, luôn coi ACB là ngôi nhà thứ hai của mình. Lê Vũ Kỳ bảo trong thâm tâm chưa bao giờ có ý định gây thiệt hại gì đối với Ngân hàng ACB. Kỳ gửi lời xin lỗi các cổ đông ACB. Lê Vũ Kỳ mong HĐXX chiếu cố trong lượng hình đối với các bị cáo.
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn nói: Bị cáo Tuấn cho rằng mình là người may mắn nhất trong số những người không may mắn (bị cáo bị đề nghị 3 năm án treo). Bị cáo gửi lời cảm ơn đến VKS.
HĐXX tuyên bố đến sáng 9-6, toà tuyên án.
Trước đó, VKSND TP Hà Nội đã đề nghị mức án với các bị cáo như sau:
-Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB): 30 năm tù giam.
-Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 9-10 năm tù giam.
-Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 7-8 năm tù giam.
-Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 7-8 năm tù giam.
-Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 6-7 năm tù giam
-Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 3 năm tù cho hưởng án treo
-Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB): 12-14 năm tù giam
-Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 3 năm tù cho hưởng án treo.
Bình luận (0)