Dường như cái nóng của trưa thiêu đốt tiết trời tháng 4 cũng không át nổi sức nóng tỏa ra trên người L.H.D - bị đơn trong phiên phúc thẩm tranh chấp tài sản tại TAND TP HCM. Tay ôm tập hồ sơ dày cộp, liên tục nói chuyện điện thoại, đi tới đi lui trước giờ xử án, trong ánh mắt của D. hằn lên thái độ bất cần trước những bức xúc của cả gia đình đang ngồi gần đó.
Bất hiếu
Trước phòng xử án, người thân trong gia đình D. cũng thấp thỏm chờ HĐXX. “Điều kiện kinh tế khó khăn nên anh em chúng tôi sống chung trong căn nhà rộng chưa đầy 60 m2 của cha mẹ ở quận 11, TP HCM. Đại gia đình hơn 10 người vẫn đùm bọc lẫn nhau, tự nhiên thằng D. đổ đốn đòi bán nhà, chia tài sản khiến cả nhà phải khổ. Cha mẹ gần 90 tuổi còn bị nó đuổi ra khỏi căn nhà do mồ hôi công sức của mình xây lên” - ông N., anh của D., chua chát.
Là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em, D. được cha mẹ yêu thương hơn cả vì sức khỏe và nghề nghiệp không bằng những người con khác. Cách đây vài năm, D. thuyết phục cha mẹ làm thủ tục chuyển quyền chủ sở hữu căn nhà sang cho mình. Là người Hoa, không am hiểu tiếng Việt và pháp luật nên cha mẹ D. ký tên vào giấy chuyển nhượng cho con. Tin tưởng vào D., ông bà không ngờ rằng đứa con mà mình dành cho nhiều tình thương nhất lại có ý định đuổi mọi người đi để bán nhà, chia cho cha mẹ và mỗi anh chị em 100 triệu đồng. Tuổi cao sức yếu, ông bà ủy quyền cho con trai cả làm đơn khởi kiện D. TAND quận 11 tuyên D. không có quyền bán căn nhà nếu chưa có sự đồng ý của cha mẹ và 4 anh chị em còn lại. D. kháng cáo lên TAND TP. Mắt kém, sức đi không còn, cha mẹ D. được các con dìu đến tham dự phiên phúc thẩm. Không biết do thời tiết hay do không muốn nhìn mặt đứa con trai đang “diễu võ dương oai” trong phòng xử, cha mẹ của D. liên tục ra ngoài ngồi, thở dốc. Khuôn mặt hom hem, dáng người chỉ còn da bọc xương của ông bà như tái hiện lại khoảng thời gian khó nhọc lo cho các con thành người.
HĐXX tuyên y án sơ thẩm, ánh mắt hung hăng, bất mãn đã thay thế cho sự tự tin trước đó của D. Cả gia đình lặng lẽ ra về, để lại sau lưng tiếng chửi bới, dọa nạt của đứa con bất hiếu.
Cạn tình
Cũng vì đồng tiền, các cháu trong gia đình bà N.T.T.H (TP Cần Thơ) đan tâm vứt bỏ tình ruột thịt, quyết tranh chấp tài sản với cô, chú ruột của mình. Nhận giấy triệu tập của TAND Tối cao, bà H., ông N.T.P và N.N.Th khăn gói từ TP Cần Thơ lên TP HCM. Ba người là anh em ruột, đều trên 60 tuổi, sức khỏe yếu nên mang theo đủ loại thuốc. Cha mẹ của ông T. - là anh cả, đã qua đời; bà H., ông P., ông Th. có 1 căn nhà và hơn 8.000 m2 đất ở TP Cần Thơ. Lúc cha ở với ông T., ba anh em còn lại đồng ý cho gia đình ông T. ở căn nhà nói trên để chăm sóc cha và lo hương hỏa. Khi cha rồi đến ông T. qua đời, 2 người con của ông T. đòi toàn quyền sở hữu căn nhà, chỉ chia lại đất cho cô, chú. Bà H., ông P. và ông Th. đâm đơn kiện, TAND tỉnh Hậu Giang đã quyết định tài sản do cha bà H. để lại sẽ chia đều cho 4 người con. Con của ông T. chỉ được hưởng phần thừa kế của cha ruột. Không thỏa mãn, 2 người con ông T. kháng cáo.
Sau khi nghe chủ tọa phiên phúc thẩm phân xử, người cháu trai lại yêu cầu cô, chú phải trả lại chi phí gìn giữ và trùng tu căn nhà, tiền vốn đầu tư mấy chục gốc bưởi trong vườn. Bà H., ông P., ông Th. đồng ý ngay, không tính toán. Giọng bà H. nhỏ nhẹ: “Chúng tôi muốn giữ căn nhà để thờ phụng tổ tiên chứ không có ý tranh giành. Dù gì chúng nó cũng là con cháu. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền gìn giữ căn nhà. Số bưởi do anh T. trồng đã chết hết nên chúng tôi không có nghĩa vụ phải bồi hoàn. Hai đứa được chia khu đất phía sau nên tôi chấp nhận cắt một phần đất phía trước cho chúng nó làm lối đi. Tôi chỉ xin lại gốc mai do ba tôi trồng trên phần đất ấy để làm kỷ niệm”.
Nghe đến đây, vị chủ tọa quyết định tạm hoãn phiên tòa để hai bên thống nhất lại việc phân chia tài sản. Ra khỏi phòng xử, cô, chú, cháu ngồi bệt xuống cạnh gốc cây trong sân. Người cháu trai gắt gỏng: “Có mười mấy cây mai, giờ muốn lấy cây nào?”…
Bình luận (0)