UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương cũng như Ban Chỉ đạo 138 và cơ quan điều tra để làm rõ hành vi vi phạm về kinh doanh theo phương thức đa cấp và sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua website của Auto Ads và kênh đầu tư tài chính có tên Broker Investment S.R.O (gọi tắt BIS Holding).
Lãi suất "trên trời"
Theo cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ thông tin giới thiệu, ứng dụng Auto Ads được quảng cáo là một robot thông minh, có khả năng giúp bất kỳ người nào cũng có thể biến môi trường internet trở thành "công nghệ kinh tế mạng" để kiếm tiền.
Để tham gia ứng dụng này, người chơi phải đăng ký tài khoản trên trang web https://auto0ws3ei-www.shoiitload.com bằng số điện thoại di động, sau đó nạp tiền theo 9 mức, từ 180.000 đồng đến 99 triệu đồng, vào tài khoản ngân hàng được chỉ định sẵn, nội dung chuyển khoản là "tên đăng nhập". Sau khi xác định người chơi chuyển khoản thành công, hệ thống sẽ ghi nhận số tiền của tài khoản trên ứng dụng Auto Ads và người chơi bắt đầu mua các gói đầu tư có giá từ 180.000 đồng đến 540 triệu đồng để được hưởng lãi suất 20%-55%/ngày.
Để lôi kéo người dùng, các đối tượng sử dụng mạng xã hội thành lập các hội, nhóm nhằm quảng cáo, dụ dỗ người tham gia đầu tư. Ngoài lợi nhuận như cam kết, nếu giới thiệu được người khác cùng tham gia, nhà đầu tư sẽ được hưởng hoa hồng giới thiệu theo mô hình đa cấp như F1 được 16%, giới thiệu gián tiếp F2 được 8%, F3 được 4%.
Đối với kênh đầu tư tài chính BIS Holding, các đối tượng đứng đầu kênh này, thường được gọi là leader (trưởng nhóm), thông qua ứng dụng zoom để chia sẻ, quảng cáo thông tin về BIS Holding đến nhiều khách hàng, thuyết phục họ đầu tư với lợi nhuận 10%-15%/tháng. Để được trở thành nhà đầu tư, khách hàng chỉ cần lập tài khoản trên sàn của BIS Holding, với website http://mernber.brokerinvestment.com sau đó nạp số vốn muốn tham gia giao dịch (tính bằng USD) từ ngân hàng nội địa hoặc các sàn giao dịch tiền điện tử vào sàn hoặc thông qua các leader, người giới thiệu đã có vốn sẵn trên sàn.
Sau khi nạp tiền vào tài khoản, khách hàng sẽ được nhận số điểm và không thể rút vốn trong 90 ngày làm việc, lợi nhuận thu về sẽ được chia theo tỉ lệ phần trăm, trong đó nhà đầu tư một phần và BIS Holding một phần. Ban đầu, vào mỗi chủ nhật, sau 90 ngày làm việc, BIS Holding sẽ mở cổng thanh toán, khách hàng rút lãi và chỉ có thể rút khi đạt từ 100 USD trở lên. Sau khi khách hàng tiếp tục gửi tiền vào, BIS Holding đóng tài khoản, số tiền nạp vào cũng không thể rút ra được.
Kịp thời ngăn chặn
Theo cơ quan điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ứng dụng Auto Ads sử dụng tài khoản ngân hàng trong nước để chuyển tiền lãi và hoa hồng cho khách hàng, trong đó website này được đặt trên máy chủ tại nước ngoài, chỉ truy cập được từ thiết bị di động, tên miền shoutload.com đăng ký ngày 24-4-2020, không được cấp phép tại Việt Nam.
Với kênh đầu tư tài chính BIS Holiding, website này cũng có địa chỉ tại nước ngoài, sử dụng tài khoản ngân hàng trong nước của các leader, không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Cơ quan điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết hoạt động huy động vốn, mô hình trả thưởng, cách thức phát triển mạng lưới người tham gia của ứng dụng này có dấu hiệu của tội "Vi phạm về kinh doanh theo phương thức đa cấp" và "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đã đề nghị VKSND tỉnh, TAND tỉnh chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng đưa đối tượng phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ra truy tố, xét xử nghiêm minh. Ngoài ra, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các website, trang mạng xã hội nghi vấn liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ mạng internet trên địa bàn tỉnh kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu, tài liệu có liên quan phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Tung tin giả, thao túng thị trường chứng khoán
Vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an TP Hà Nội đã hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán nhà nước điều tra, truy tìm đối tượng phát tán tài liệu giả mạo.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy ngày 6-7, ông N.A.M (SN 1977, nghề nghiệp kế toán, ngụ TP Hà Nội) sử dụng tài khoản Zalo có tên "Minh Nguyen Anh" cung cấp công văn giả mạo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) trong nhóm Zalo "Room SSI - Cổ phiếu". Đến chiều cùng ngày, trên các trang mạng xã hội lan truyền một công văn về việc hệ thống của HoSE xảy ra lỗi vào phiên giao dịch xác định giá đóng cửa (ATC).
Ngay trong ngày 6-7, HoSE đã có thông báo khẳng định không có văn bản nêu trên và đây là thông tin giả mạo. Hệ thống giao dịch của HoSE hoạt động hoàn toàn bình thường trong phiên giao dịch ngày 6-7 và chỉ số VN-Index đã giảm tới 56,34 điểm. Căn cứ kết quả xác minh của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngày 5-8, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt ông M. 15 triệu đồng.
Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin, lợi ích của nhà đầu tư, tính bền vững, công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thời gian qua, Phòng An ninh Kinh tế, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị này để điều tra, làm rõ một số vụ việc có dấu hiệu giao dịch thao túng thị trường chứng khoán.
Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng trên thị trường chứng khoán thường có những tin truyền nhau để ở các "room", nhóm để "đẩy" thông tin. Các tin đó có thể làm thị trường lên hoặc xuống nhưng rất ít khi bị xử lý vì đó là tin đồn, không biết bắt nguồn từ đâu. Cần xử lý nghiêm những trường hợp giả mạo văn bản, tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng thị trường bởi thị trường chứng khoán cần sự minh bạch, nhất là thời điểm thị trường đang thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia.
P.Dũng - S.Nhung
Bình luận (0)